Traphaco: Cá nhỏ tiến ra đại dương xanh

Đông dược là lựa chọn số 1 để Traphaco hấp dẫn nhà đầu tư.

Không chỉ các quỹ, một số công ty ngoài ngành cũng nhận thấy cơ hội và mua cổ phần các công ty đông dược.














Khi tân dược được bán tràn lan trên khắp các hiệu thuốc, chú cá nhỏ Traphaco lại có thể tận dụng những miếng mồi chỉ dành riêng cho mình để tồn tại. Đồng thời, chú cá đó cũng biết cách để lẩn tránh những hiểm họa có thể xảy ra.

Đông dược chỉ chiếm tỉ trọng khoảng 0,5-1,5% trong tổng giá trị sản xuất của ngành dược. Nhưng đông dược lại đang hấp dẫn các quỹ đầu tư. Traphaco hiện là công ty có tiếng trên thị trường đông dược với lợi nhuận chiếm 79% tổng lợi nhuận năm 2011. Có 3 cổ đông chiến lược là Vietnam Azalea Fund (thuộc Công ty Quản lý Quỹ Mekong Capital), ANZ VietNam và Công ty Liên doanh Quản lý Đầu tư BIDV - Vietnam Partners đang đầu tư vào Traphaco. Trong đó, tỉ lệ sở hữu cao nhất là Vietnam Azalea Fund với 24,99%.

Sức hấp dẫn của đông dược

Trao đổi với NCĐT, đại diện Vietnam Azalea Fund cho biết họ đầu tư vào Traphaco là do nhận thấy Công ty này đạt doanh thu hàng năm ổn định. Tỉ lệ tăng trưởng lợi nhuận thuần bình quân của Traphaco đạt 28% trong 5 năm qua. Cho đến nay, Traphaco đã trở thành công ty lớn thứ hai trong ngành dược cả về doanh thu lẫn lợi nhuận.

Đồng thời, Quỹ Azalea còn nhìn ra được sức hấp dẫn của thị trường này ở chỗ đông dược được người Việt tin dùng. Theo họ, các công ty đông dược ở Việt Nam đã và đang tăng trưởng nhanh hơn các công ty tây dược.

Không chỉ các quỹ, một số công ty ngoài ngành cũng nhận thấy cơ hội và mua cổ phần các công ty đông dược. Ngay cả một doanh nghiệp ngoài ngành như Công ty Cổ phần Thương mại Nguyễn Kim mới đây cũng đã nâng tỉ lệ sở hữu tại Công ty Dược Lâm Đồng lên 36,44%.

Tiềm năng của ngành đông dược còn được thể hiện qua việc phần lớn sản phẩm là thực phẩm chức năng. Theo báo cáo của Cục Quản lý dược, dòng thuốc thực phẩm chức năng có mức tăng doanh thu lớn nhất, đạt mức tăng trưởng 30%/năm. Ngoài ra nguyên liệu để sản xuất đông dược là các loại thảo mộc có thể trồng được. Nếu được đầu tư thích đáng, ngành đông dược có thể chủ động nguồn dược liệu, không phải nhập khẩu như tây dược, tránh được rủi ro về giá nguyên liệu cũng như tỉ giá hối đoái.

Lẩn tránh hiểm họa

Để chủ động nguồn nguyên liệu, năm 2009, Traphaco đã sở hữu 100% Traphaco Sapa. Công ty còn tìm kiếm nguồn nguyên liệu mới bằng cách hợp tác với Công ty Cổ phần BV Pharma nhằm phát triển dự án vùng nguyên liệu sạch vào năm 2011 với quỹ đất hàng trăm ha tại Đà Lạt, Đắc Nông, ĐakLak. Đồng thời, Công ty cũng tận dụng chính sách ưu đãi vốn vay đầu tư cho tất cả các nhà máy sản xuất dược, vùng nguyên liệu để hình thành các vùng nguyên liệu mới.

Tiếp đó, việc sáp nhập Traphaco CNC và Công ty Cổ phần Dược phẩm Daklak đã tạo điều kiện giành thêm thị phần và mở rộng kênh phân phối cho Traphaco. Đây có thể mới chỉ là bước đầu trong hành trình mua bán sáp nhập của Công ty. Bởi lẽ, có 200 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất nhỏ lẻ không đáp ứng việc xây dựng nhà máy đủ tiêu chuẩn. Các doanh nghiệp này có nguy cơ bị đình trệ hoặc chuyển đổi sản xuất cho 5 doanh nghiệp đạt chuẩn GMP - WHO. Tận dụng cơ hội này, Traphaco sẽ có thêm nhiều lựa chọn khi mua các công ty và mở rộng hơn nữa kênh phân phối của mình.

Khó khăn ở chỗ, mức độ cạnh tranh trong ngành hiện nay khá cao. Trong một lần trao đổi với NCĐT, ông Văn Tất Chiến, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần S.P.M, cho biết: “Trong ngành dược hiện nay, mức độ cạnh tranh rất cao, hầu như 50% sản phẩm trong danh mục của mỗi nhà máy là trùng nhau, cần phải tạo ra sự khác biệt”.

Quả vậy. Các doanh nghiệp sản xuất đông dược có sự tương đồng rất lớn về sản phẩm, giá cả. Một trong những đối thủ đáng gờm của Traphaco là Công ty Cổ phần Dược phẩm OPC. Đây cũng là một doanh nghiệp có tỉ lệ lợi nhuận đến từ sản phẩm đông dược chiếm trên 70% tổng lợi nhuận. Trong 6 tháng qua, OPC cũng được 2 quỹ là Pure Heart Value Investment Fund và Route One Investment Company đầu tư với tỉ lệ sở hữu trên 10%.

Bên cạnh đó, hàng nhập từ Trung Quốc cũng là đối thủ của đông dược trong nước. Đặc biệt là hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường dẫn đến hạ thấp uy tín của các doanh nghiệp trong ngành, nhất là với các tỉnh, mức độ kiểm soát không đủ chặt chẽ. Do đó, Traphaco và các doanh nghiệp trong ngành cũng đang ra sức đăng ký bảo vệ sở hữu trí tuệ và phát minh nhằm đảm bảo vị trí dẫn đầu ngành đông dược của mình. 

Theo Nhịp cầu Đầu tư