Ợ nóng làm tăng nguy cơ ung thư thực quản


Người mắc bệnh Barrett thực quản có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao gấp 40 lần so với mức bình thường.

Nguy cơ ung thư cao gấp 40 lần

Theo nhóm nghiên cứu đến từ Đại học California, Los Angeles (UCLA) Mỹ, số trường hợp mắc ung thư thực quản năm 2001 đã tăng lên gấp 6 lần so với con số thống kê năm 1975.

Hiệp hội Ung thư Mỹ ước tính có khoảng 17.500 trường hợp mắc ung thư thực quản trong năm 2012 và hơn 15.000 trường hợp đã tử vong. Theo các chuyên gia, tỷ lệ ung thư thực quản đang tăng cao do sự thiếu hiểu biết của người dân về nguyên nhân gây bệnh cũng như cách phòng tránh.

Thực quản là một ống cơ chuyển thức ăn và chất lỏng từ miệng xuống dạ dày. Viêm thực quản xảy ra khi axit dạ dày tác động thường xuyên vào thành thực quản. Quá nhiều axit dạ dày ra vào thực quản gây viêm và đau. Viêm thực quản có thể dẫn tới chảy máu thực quản hoặc u và để lại sẹo.

Ngoài ra, bệnh trào ngược axit dạ dày thực quản (GERD) mạn tính có thể biến chứng thành bệnh Barrett thực quản, gây tổn hại nghiêm trọng tới thành thực quản. Axit trào ngược có thể dẫn tới những thay đổi bất thường trong tế bào cấu tạo nên thành thực quản. Các tế bào này bị tổn hại và thay thế bằng một loại tế bào lạ.

Theo các chuyên gia của UCLA, người mắc bệnh Barrett thực quản có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao gấp 40 lần so với mức bình thường.

Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng yếu tố then chốt để con người có thể giảm bớt nguy cơ mắc bệnh là kiểm soát tình trạng ợ nóng và trào ngược axit dạ dày.

"Béo phì và chế độ ăn không đủ dinh dưỡng đã đẩy cao số trường hợp mắc bệnh trào ngược axit", TS Raman Muthusamy, phó giáo sư y học lâm sàng và Chủ nhiệm Khoa Nội soi tại Đại học UCLA phát biểu trong thông cáo của Đại học.

Theo TS Muthusamy và TS Kevin Ghassemi, Giám đốc Chương trình Điều trị lâm sàng tại Trung tâm điều trị các chứng rối loạn thực quản (UCLA), bệnh nhân ung thư thực quản có thể không xuất hiện bất cứ triệu chứng nào khác ngoài ợ nóng. Chính vì vậy, điều trị ợ nóng có thể ngăn chặn sự tấn công sớm của bệnh.

Ảnh minh họa: IE.
Ảnh minh họa: IE.

Những lưu ý khi phòng bệnh

Để giúp người bệnh nhận biết mức độ nghiêm trọng của chứng trào ngược axit hay ợ nóng và từ đó giảm nguy cơ mắc ung thư, TS Muthusamy và Ghassemi khuyến cáo những lưu ý sau:

- Đi khám nếu tình trạng ợ nóng kéo dài nhiều hơn 1 tuần.

- Giảm cân. Béo phì có thể khiến tình trạng trào ngược axit và ợ nóng chuyển biến xấu hơn.

- Tránh ăn quá nhiều cùng một lúc và giữ tư thế ngồi thẳng sau khi ăn. Ngồi ngả người khi đang no có thể khiến các triệu chứng xấu hơn.

- Tham gia vào các hoạt động thể chất nhẹ nhàng sau khi ăn. Vận động giúp tiêu hóa tốt hơn.

- Khi sử dụng các loại thuốc điều trị trào ngược axit như Prilosec, Nexium, Prevacid, Zantac và Pepcid, nên chú ý uống thuốc đều đặn và thường xuyên để giảm lượng axit trong dạ dày.

- Tiến hành kiểm tra ung thư thực quản. Đàn ông trên 50 tuổi đã mắc chứng axit trào ngược từ 10 - 15 năm nên đi kiểm tra bệnh Barrett thực quản. Nếu phát hiện sớm, sự thay đổi ở thành thực quản có thể điều trị được.

- Không hút thuốc lá.

- Hạn chế sử dụng cafeine, rượu và các thực phẩm giàu chất béo bởi chúng có thể làm tăng nguy cơ trào ngược axit.

- Người đang sử dụng thuốc điều trị huyết áp và tim mạch như thuốc chẹn kênh canxi và ni-trát có nguy cơ mắc chứng trào ngược axit cao hơn. Đối tượng này nên thảo luận kỹ càng với bác sĩ để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

- Không mặc quần áo bó.

Thu Thương (Theo Health Day, Webmd)