Cỏ the hay còn gọi là cóc mẩn, cóc ngồi, cây thuốc. Là cây thảo, cao 5 - 20cm, ngọn có lông màu trắng nhạt. Lá nhỏ, mọc so le, khía 1 - 2 răng ở mỗi bên mép. Cành hoa sát mặt đất, hoa hình đầu màu vàng nhạt, mọc ở ngọn hay ở bên, đối diện với một lá rất bé.
Cây cỏ the.
|
Quả bế, các quả phía ngoài hình 4 cạnh, và quả phía trên dẹp, tất cả đều có lông. Cây ra hoa từ 2 - 5 ra quả vào tháng 4 - 7. Cỏ the thường mọc hoang ở ruộng ẩm hay khô, phổ biến sau vụ gặt. Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây cả rễ, thu hái vào mùa khô là tốt nhất, rửa sạch, dùng tươi hay phơi hoặc sấy khô.
Cỏ the có vị cay, mùi hắc, tính ấm; có tác dụng thông khiếu, tán thấp, khu phong, tiêu thũng, tiêu viêm, tiêu sưng. Chữa các bệnh viêm họng, cảm mạo, hen suyễn, lở loét ngoài da…
Một số cách sử dụng để chữa bệnh
- Chữa ho do cảm lạnh: Cỏ the khô 15g (30g tươi). Rửa sạch đổ nước 500ml, sắc còn 100ml; chia 3 lần uống trong ngày. Uống liền 5 ngày.
- Hỗ trợ chữa viêm amiđan: Cỏ the 30g, gạo nếp 30g. Cỏ the rửa sạch cắt khúc cho vào xay hoặc giã nát chắt lấy nước cốt. Gạo nếp vo sạch, lấy nước cỏ the để ngâm gạo nếp, sau đó nghiền gạo nếp thành bột nước, ngậm và nuốt từ từ từng ít một. Dùng từ 3 - 5 ngày.
- Hỗ trợ chữa ho gà: Dùng cỏ the 15g, cát cánh, cam thảo, bách bộ mỗi thứ 6g. Đổ 600ml nước, sắc lấy 150ml nước, thêm chút đường, chia thành 3 lần uống trong ngày. Dùng 10 ngày một liệu trình.
- Chữa mụn nhọt (chưa vỡ mủ): Dùng cỏ the khoảng 15 - 20g, xuyên sơn giáp 2g (đốt tồn tính), đương quy vĩ 9g; thêm 1 bát rượu, giã vắt lấy nước uống, bã đắp lên nhọt, 3 giờ thay băng một lần.
- Hỗ trợ điều trị mẩn ngứa (eczema): Cỏ the khoảng 15g, thêm một ít đậu xanh, muối vài hạt; cả 3 thứ giã nhỏ đắp lên nơi tổn thương đã rửa sạch trong 3 giờ. Mỗi liệu trình 5 ngày.
Lương y Hữu Đức
Nguồn: SK&ĐS