Ăn rau ngót bị sẩy thai?


Không chỉ người Việt hay dùng bồ ngót để nấu canh ăn giải nhiệt, mà các nước như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia cũng sử dụng bồ ngót rất nhiều trong các món ăn hàng ngày. Không chỉ giải được nhiệt, theo y học cổ truyền bồ ngót có nhiều dược tính bổ ích khác.
Tuy nhiên, nhiều phụ nữ trong quá trình mang thai đã kiêng không dám ăn loại rau này đến tận khi sinh nở, vì nghĩ rằng ăn nhiều sẽ bị sẩy thai. Kinh nghiệm dân gian còn có bài thuốc uống nước rau ngót vào lúc đói để phá thai. Thực hư về chuyện này?

Trong bồ ngót tươi có chứa papaverin nên nếu dùng trên 30 gam lá tươi thì có nguy cơ sẩy thai. Ảnh: Phương Trần

Vừa mát vừa bổ
Bồ ngót còn có tên bù ngót, rau ngót, tính mát (khi nấu chín sẽ bớt hàn), vị ngọt, được dùng làm thuốc thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tăng tiết nước bọt, hoạt huyết, tiêu ứ, bổ huyết, cầm máu, nhuận tràng, sát khuẩn, tiêu viêm, sinh cơ.Những nghiên cứu về thành phần của rau bồ ngót cho thấy loại rau này chứa nhiều chất đạm (4,8g/100g) gồm nhiều acid amin cần thiết cho cơ thể nên có thể dùng bồ ngót để thay thế đạm động vật mà ít gây hại cho cơ thể như sạn thận hoặc gout. 

Bồ ngót còn giúp điều hoà mật độ canxi trong máu, do đó giúp phòng chống loãng xương ở người lớn tuổi; lại chứa nhiều khoáng tố vi lượng như canxi, phốt pho, sắt và nhiều vitamin C nên còn giúp chữa thiếu máu. Bồ ngót còn là thực phẩm tốt để phòng ngừa táo bón và bệnh trĩ nhờ hàm lượng chất xơ cao. 

Ăn bồ ngót có tác dụng giảm cân và điều hoà lượng đường trong máu, nên người tiểu đường đừng nên bỏ qua loại rau này. Phụ nữ sau sanh ăn canh rau bồ ngót rất tốt vì giúp làm sạch máu và bồi bổ cơ thể, nhưng nên thêm vài lát gừng để giảm bớt tính hàn. Bồ ngót có màu xanh đậm nhưng chứa nhiều vitamin nhóm B và vitamin A, vì vậy trước khi nấu nên rửa sạch rồi thái nhỏ, thêm ít dầu ăn để vitamin A dễ hấp thu vào cơ thể, và khi nước sôi hãy cho rau vào để tránh phân huỷ vitamin nhóm B.

Bồ ngót còn có tác dụng chống oxy hoá tế bào nên có lợi để phòng chống lão hoá. Một số nghiên cứu cho thấy bồ ngót làm tăng sự hấp thu của hệ tiêu hoá, ngăn ngừa mệt mỏi và ngăn chặn sự xuất hiện các bệnh mãn tính của mạch máu. Nó còn được dùng để chữa mụn nhọt, viêm loét, tăng sức đề kháng của cơ thể, tăng tiết collagen duy trì làn da khoẻ mạnh, giảm cholesterol, hạ huyết áp, giúp vết thương mau lành, và cải thiện tuần hoàn não. 

Bồ ngót giúp tăng thị lực, và còn được xem là thực phẩm tốt cho nam giới vì làm gia tăng chất lượng và số lượng tinh trùng. Có nghiên cứu cho thấy bồ ngót chứa một nhóm hoạt chất sterol có tác dụng như hormone sinh dục nên có thể làm hưng phấn tình dục.

Tại Indonesia, lá bồ ngót thường được dùng để làm tăng sự tiết sữa ở sản phụ cho con bú sữa mẹ. Nước này sản xuất ra khoảng mười sản phẩm giúp tăng tiết sữa được lưu hành ở Indonesia từ năm 2000. Ở Mỹ, bồ ngót được chế biến thành các dạng thức ăn nhanh cho người béo phì.

Nấu chín chắc ăn

Tuy bồ ngót nhiều công dụng, nhưng nhiều tài liệu cũng cảnh báo uống nhiều bồ ngót ở dạng lá tươi xay nhuyễn lấy nước có thể dẫn đến một số phản ứng phụ:

- Gây bệnh nghẽn phổi: một số người dân Đài Loan dùng rau ngót xay lấy nước để uống vài ly mỗi ngày để giảm cân thì thấy xuất hiện hiện tượng mất ngủ, khó thở và ăn uống kém (theo Naturally Healthy).

- Gây co thắt cơ trơn tử cung gây sẩy thai, tiêu chảy, co thắt mạch máu gây đau nhức cơ, mất ngủ, nhức đầu, cao huyết áp, hoặc thiếu máu não ở người lớn tuổi. Cũng do những tính chất trên nên không được dùng bồ ngót tươi cho các trường hợp nhức nửa đầu, tăng huyết áp nội sọ, táo bón, ngủ gật ban ngày, bệnh phù niêm mạc do suy tuyến giáp.

Nguyên nhân của các hiện tượng này là trong bồ ngót tươi có chứa một chất có cấu trúc như papaverin (alkaloid có trong á phiện). 

Dược thư Việt Nam 2002 ghi rõ khuyến cáo: “Không dùng papaverin cho người có thai”. Do bồ ngót tươi có chứa một hàm lượng papaverin nên nếu dùng trên 30 gam lá tươi thì có nguy cơ sẩy thai.

Tốt nhất là nên nấu chín, quá trình đun sôi giúp loại bỏ phần nào các yếu tố có thể là nguyên nhân gây phân huỷ hoạt chất trong lá và phát sinh chất có hại.
Theo DS Lê Kim Phụng, Nguyên giảng viên khoa Y học cổ truyền,
đại học Y dược tp.Hcm (SGTT)