Phát hiện và xử trí sốc phản vệ


Sốc phản vệ là một dạng phản ứng dị ứng cấp tính toàn thể, nặng và có thể đe dọa tính mạng nếu không được xử trí kịp thời. Rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây ra sốc phản vệ. Một số trường hợp sốc phản vệ không xác định được chính xác nguyên nhân hoặc có sự phối hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau, gây khó khăn cho việc chẩn đoán.
Biểu hiện chủ yếu của sốc phản vệ ở da, niêm mạc, đường hô hấp và hệ tim mạch. Sốc phản vệ thường gặp nhất là do các loại thuốc bao gồm cả thuốc tiêm và thuốc uống, dịch truyền, thức ăn và nọc côn trùng. Sốc phản vệ do thức ăn thường gây ra do các loại thủy hải sản, trứng và lạc. Trong khi đó, các thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm giảm đau, giãn cơ, gây tê gây mê là những nguyên nhân thường gặp nhất của sốc phản vệ do thuốc (còn được gọi là sốc thuốc). Nọc côn trùng, đặc biệt là các loại nọc ong, cũng là một nhóm nguyên nhân khá phổ biến gây ra sốc phản vệ ở nhiều nơi trên thế giới.
 Sốc phản vệ do tiêm tĩnh mạch rất nguy hiểm.
Nhận biết sốc phản vệ
Nhận biết sớm để có thể xử trí kịp thời sốc phản vệ là hết sức quan trọng đối với tính mạng người bệnh. Cần nghi ngờ xảy ra sốc phản vệ khi bệnh nhân sau tiếp xúc với một tác nhân lạ đột ngột cảm thấy khó chịu, ớn lạnh, hoảng hốt, lo sợ, sau đó nhanh chóng xuất hiện các triệu chứng ở da, niêm mạc (như nóng bừng, nổi ban đỏ ngứa, phù mắt, phù môi, ngạt mũi…), ở hệ hô hấp (như khó thở, thở rít), ở hệ tiêu hóa (như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy) và hệ tim mạch (đau ngực, đau đầu, chóng mặt, ngất, tái nhợt, tụt huyết áp). Các triệu chứng ở da, niêm mạc có thể không đe dọa tính mạng người bệnh nhưng là những dấu hiệu có giá trị gợi ý giúp phát hiện sớm sốc phản vệ. Cần lưu ý là có khoảng 20% các trường hợp sốc phản vệ không có các biểu hiện ở da, niêm mạc, một số khác lại biểu hiện khởi đầu với các triệu chứng ở hệ tuần hoàn như tụt huyết áp.
Xử trí sốc phản vệ
Adrenaline là thuốc quan trọng nhất trong điều trị cấp cứu sốc phản vệ và cần có sẵn ở tất cả những nơi có thể xảy ra sốc phản vệ.
Phác đồ điều trị cụ thể có thể khác nhau tùy thuộc vào trình độ và kỹ năng của thày thuốc cũng như điều kiện trang thiết bị, tuy nhiên, adrenaline tiêm bắp vẫn là liệu pháp điều trị căn bản và có tính chất cứu mạng người bệnh đối với dạng phản ứng nguy hiểm này. Vì lý do đó, adrenaline cần phải được chuẩn bị trước ở tất cả những tình huống có nguy cơ xảy ra sốc phản vệ như tiêm truyền thuốc, truyền dịch, gây tê gây mê, tiếp xúc với ong... Về cơ chế, adrenaline tác động trên các thụ thể thần kinh giao cảm giúp giải quyết hầu hết các triệu chứng của sốc phản vệ, ví dụ như thuốc có tác dụng co mạch (giúp tăng huyết áp, giảm phù nề, ban đỏ), giãn cơ trơn phế quản, tăng sức co bóp cơ tim... Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, dùng adrenaline trong điều trị sốc phản vệ càng sớm thì hiệu quả càng cao, hầu hết các trường hợp cấp cứu sốc phản vệ thất bại là do chậm dùng adrenaline.
 
Tuy nhiên, giống như mọi thứ thuốc khác, adrenaline cũng có thể gây ra không ít các tác dụng không mong muốn, đặc biệt khi dùng đường tiêm truyền tĩnh mạch, thường gặp nhất là run chân tay, nhịp tim nhanh, đau tức ngực... Một số trường hợp nhồi máu cơ tim được cho là có liên quan với việc dùng adrenaline đường tĩnh mạch trong điều trị sốc phản vệ, mặc dù bản thân sốc phản vệ cũng có thể gây ra biến chứng này. Adrenaline đường tiêm bắp cho đến nay vẫn được coi là đường dùng ưu việt nhất trong điều trị sốc phản vệ do tính an toàn và hiệu quả cao. Khi đã được chẩn đoán là sốc phản vệ, bệnh nhân cần được nhanh chóng đặt trong tư thế nằm ngửa, thở ôxy, tiêm adrenaline vào bắp thịt với liều lượng phù hợp tùy từng trường hợp và lứa tuổi. Có thể tiêm nhắc lại sau 10 đến 15 phút cho đến khi huyết áp ổn định, vị trí tiêm nên được day nhẹ để thuốc dễ hấp thu. Nếu bệnh nhân bị tụt huyết áp nặng và kéo dài, adrenaline có thể được pha loãng và truyền tĩnh mạch để duy trì huyết áp.
 
Những trường hợp có khó thở hoặc thở rít không đáp ứng với adrenaline, cần cho bệnh nhân khí dung các thuốc giãn phế quản như salbutamol, terbutaline, hoặc tiêm tĩnh mạch diaphyllin. Đặt nội khí quản hoặc mở khí quản là cần thiết ở những bệnh nhân có phù nề đường hô hấp không đáp ứng với các thuốc điều trị. Các thuốc kháng histamine như diphenhydramine, dimedrol cũng nên được sử dụng và có hiệu quả tốt với các triệu chứng ở da và niêm mạc. Corticosteroid cũng cần được dùng sớm, có thể sử dụng hydrocortison 120mg hoặc methylprednisolon 40mg tiêm tĩnh mạch, nhắc lại sau 4-6 giờ.
Nếu sốc phản vệ gây ra do các thuốc tiêm bắp, tiêm dưới da hoặc do côn trùng đốt, nên garo ở phía trên vị trí tiêm hoặc bị đốt, áp lạnh hoặc tiêm adrenaline tại chỗ để hạn chế sự xâm nhập của dị nguyên vào máu (do tác dụng co mạch của thuốc). Những trường hợp sốc phản vệ do thức ăn nên được rửa dạ dày để loại bỏ những thức ăn gây dị ứng còn sót lại. Sau khi tình trạng sốc ổn định, bệnh nhân cần được theo dõi tại bệnh viện ít nhất 6-24 giờ để đề phòng sốc phản vệ có thể tái lại.
Những bệnh nhân có cơ địa dị ứng hoặc có tiền sử đã bị sốc phản vệ phải được tư vấn và hướng dẫn để có thể nhận biết được các dấu hiệu sớm của sốc phản vệ và có những biện pháp can thiệp kịp thời.  
BS. Nguyễn Hữu Trường
Theo SK&ĐS