Thuốc chống nấm


 Trong tất cả các trường hợp nhiễm nấm, việc điều trị sớm, lựa chọn đúng thuốc luôn mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, mỗi loại bệnh phải sử dụng các thuốc, hóa chất khác nhau. Vì vậy cần phân biệt các loại bệnh nấm để điều trị hiệu quả.
Các loại nấm gây bệnh
Chỉ có một số nấm gây bệnh cho người (hoặc động thực vật), bao gồm: Các loại nấm men: Blastomyces dermatitidis, Candida spp... Các loại nấm mốc: Aspergillus spp, nấm dermatophyte, nấm Mucoroles.
 Các loại thuốc chống nấm
Thường chia làm 2 loại: các loại hóa chất chống nấm gồm các dẫn xuất của imidazol (ketoconazol), các triazol (fluconazol), các allylamin (naftilin), và một số hợp chất khác như: tolnaftat, undecenoic acid, kẽm undecenoic...
Các kháng sinh chống nấm: amphotericin B, nystatin, griseofulvin... Điều cần lưu ý là các kháng sinh diệt khuẩn thường không có tác dụng diệt nấm do màng tế bào của nấm có vỏ kitin khiến cho thuốc khó thâm nhập.
 Cần thận trọng khi dùng thuốc chống nấm.
Thuốc chữa một số bệnh nấm thường gặp
Có thể phân biệt các loại bệnh nấm bề mặt (ở da tóc, móng chân, móng tay, niêm mạc) và các loại nấm toàn thân (hoặc hạn chế ở một số vùng, hoặc lan tỏa ra nhiều bộ phận của cơ thể).
Bệnh do nấm Aspergillus (Aspergillosis): thường do nấm Aspergillus fumigatus, Aspergillus flavus và Aspergillus niger gây ra cho đường hô hấp và mắt, cũng có khi là tim, thận, gan, não, xương. Bệnh cần được điều trị sớm bằng amphotericin B tiêm tĩnh mạch, itraconazol uống.
Bệnh do nấm Blastomyces gây ra ở phổi, xương, da, hệ sinh dục - tiết niệu. Bệnh nhẹ điều trị bằng itraconazol, fluconazol, ketoconazol (uống). Bệnh nặng điều trị bằng amphotericin B tiêm tĩnh mạch.
Amphotericin B là thuốc chống nấm độc nhất và là một trong những thuốc gây nhiều khó khăn nhất được dùng trong lâm sàng. Các tác dụng phụ của thuốc nhiều và nổi tiếng bao gồm nhiễm độc thận và mất điện giải, nhiễm độc máu và những phản ứng phản vệ khi truyền. Mặc dù những tác dụng phụ này thường có thể dự kiến trước, nhưng không phải lúc nào cũng ngăn ngừa được chúng. Dạng chế phẩm mới amphotericin B ở dạng hạt mỡ hiện đang được nghiên cứu có thể cho phép dùng liều cao hơn với tỉ lệ tác dụng phụ thấp hơn.
Ketoconazol gây ra một số tương tác thuốc, vì thuốc có khả năng ức chế tổng hợp steroid ở tuyến thượng thận, có thể gây to vú ở nam giới. Đa số các thuốc imidazol/triazol khác tương đối ít độc. Nhiều thuốc chỉ được dùng tại chỗ.
Fluconazol tương đương với amphotericin B trong điều trị nhiễm Candida - huyết ở những bệnh nhân không giảm bạch cầu trung tính. Tuy nhiên, việc dùng fluconazol dự phòng ở bệnh nhân ghép tủy xương đã làm tăng sự hồi phục của nấm Candida. krusei. Fluconazol uống tốt hơn viên ngậm clotrimazol trong ức chế lâu dài bệnh nấm xâm nhập và nấm nông ở những bệnh nhân có HIV.
 Hình ảnh nấm móng tay.
Các thuốc chống nấm azol, như fluconazol, phát huy tác dụng bằng cách thay đổi màng tế bào nấm. Tương tác với 14-alpha demethylase, một enzym cytochrom P-450 cần để chuyển lanosterol thành ergosterol, ức chế tổng hợp ergosterol. Kết quả là làm tăng tính thấm tế bào, gây rò rỉ các iôn và các phân tử nhỏ từ tế bào nấm ra ngoài gây chết tế bào nấm. Những tác dụng chống nấm khác của các hợp chất azol đã được đề xuất bao gồm: ức chế hô hấp nội sinh, tương tác với các phospholipid màng và ức chế sự chuyển dạng nấm men thành dạng sợi.
Vì các azol ức chế tổng hợp ergosterol, theo lý thuyết người ta lo ngại rằng thuốc có thể cản trở hoạt động của amphotericin B. Nystatin có tác dụng tương tự amphotericin B.
Thuốc flucytosin, thông qua khử amin trong tế bào thành fluororacil, cản trở chuyển hóa pyrimidin, do đó ức chế tổng hợp protein. Griseofulvin làm ngừng trung kỳ phân bào pha giữa thông qua tác động lên các thoi vô sắc của tế bào nấm.
Bệnh do nấm Candida: các loại nấm Candida spp. (C. albicans, C. glabrata...) thường có ở ống tiêu hóa, miệng, âm hộ mà không gây bệnh, nhưng khi cơ thể suy nhược (do tổn thương ở da, đái tháo đường, có thai, suy giảm miễn dịch) thì chúng sẽ gây bệnh. Bệnh do nấm Candida spp có thể ở nông, sâu, lan tỏa thì điều trị bằng hóa chất hoặc kháng sinh chống nấm, điều trị tại chỗ (thuốc mỡ, creme), hoặc uống, hoặc tiêm, tùy tình trạng bệnh, vị trí bệnh và sự dung nạp của từng người.
Bệnh nấm da: thường do các loại nấm da như: epidemorphyton, microsporum, trichophyton... gây ra ở vị trí da tay, chân (nấm kẽ), da đầu, móng chân, móng tay, râu, tóc, quanh miệng, các vị trí khác nhau trên cơ thể.
Ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch có thể phát tán vào các hạch bạch huyết, gan, não và có thể tử vong.
Bệnh nhẹ và hạn chế ở từng vùng của da có thể điều trị tại chỗ bằng những loại thuốc cổ điển như: acid benzoic, acid salicylic, tím gentian (menthylrosanilin HCl).
Các dẫn chất azol bôi tại chỗ thường dùng là: clotrimazol, ketoconazol, miconazol.
Các hợp chất khác cũng  thường được dùng là clophenestin, tolnaftat, undecenoic acid và kẽm undecenoat. Trong trường hợp bệnh lan tỏa, điều trị tại chỗ ít tác dụng, các thuốc uống được dùng là: griseofulvin, ketoconazol, itraconazol, selen sulfur cũng được dùng trong thành phần xà phòng gội đầu để trị nấm da đầu.   
DS. Thế Hiệp