Bài thuốc trị bệnh từ cây muồng trâu


Cây muồng trâu thuộc dạng cây thảo, cao nhất khoảng 1,5 m, lá dạng lá ổi mọc đối nhau, có bông màu vàng, trái dài 0,8-16cm giống như trái đậu que.


Trong y học cổ truyền, muồng trâu có hai công dụng chính là chữa bệnh ngoài da và làm thuốc xổ. Với bệnh ngoài da, người ta dùng lá muồng trâu còn tươi đem giã nát để thoa vào những chỗ bị lác đồng tiền, hắc lào trên cơ thể (người ta cũng dùng phương cách này để chữa cho chó, mèo bị ghẻ, rụng lông).
Một số nơi người ta dùng lá muồng trâu chế thành mỡ để bôi trị bệnh ngoài da như nói trên.
Ngoài ra, lá muồng trâu còn được sử dụng trong các bài thuốc giúp mát gan; dùng cho những người thường xuyên bị táo bón, bị ngứa (do nóng gan, do táo bón kinh niên gây ra)... có thể dùng lá muồng trâu tươi giã nát lấy nước uống, nhưng người ta thường dùng lá khô để nấu (sắc) lấy nước dùng, hoặc phơi khô, tán thành bột rồi làm thành tường viên để dành sử dụng. Đơn giản nhất là phơi khô lá, rồi xay, rây lấy bột, mỗi ngày dùng 2-6g bột.
Những người có tỳ vị hư hàn (thường bị lạnh bụng, tiêu chảy) thì không nên uống lá muồng trâu, vì sẽ dễ bị tiêu chảy.
Theo Bacsi