Trong dân gian, cây bách bệnh được biết đến với công dụng dùng để chữa nhiều loại bệnh (nên có tên là bách bệnh) nhưng đến nay chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào tổng kết một cách cụ thể về tác dụng của loài cây này. Do vậy, người dân không nên dùng bừa bãi. TS Võ Văn Chi, chuyên gia cây thuốc Việt Nam cho biết ngày 27.7
Cây bách bệnh ngoài tự nhiên_ ảnh Đỗ Thị Xuyến
|
Cây bách bệnh, bá bệnh hay mật nhơn có tên khoa học là Eurycoma longifolia Jack thuộc họ thanh thất (Simaroubaceae). Trong y học cổ truyền, bách bệnh là một loài thuốc quý, có vị rất đắng, tính mát. Dân gian thường dùng rễ sắc uống để chữa khí hư, huyết kém, ăn uống không tiêu, gân đờ, xương yếu, nôn mửa, tả lỵ, cảm mạo, sốt, sốt rét, chữa ngộ độc, say rượu và tẩy giun. Vỏ cùng với rễ dùng chữa nhức mỏi, chân tay tê đau, đau lưng, phụ nữ đau bụng kinh. Quả chín ăn được, dùng để chữa lỵ và ỉa chảy. Lá dùng nấu nước tắm trị ghẻ lở, ngứa.
Hiện chưa có công trình nghiên cứu khoa học chính thức nào công bố tác dụng chữa bệnh của cây bá bệnh”, TS Chi khẳng định. PGS.TS Vũ Xuân Phương, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện KH-CN Việt Nam) cây bách bệnh là loại cây mộc cao khoảng 2-8 mét. Chúng mọc hoang ở các vùng núi, trong các rừng thưa, dưới tán các cây gỗ lớn, phân bố ở khắp nơi trên cả nước và còn có ở Ấn Độ, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Inđônêsia, Philippin.
“Vì toàn thân cây đều có thể được sử dụng để làm thuốc nên loài này dễ đứng trước nguy cơ bị tận diệt”, PGS Phương nói.