Dùng thuốc mefloquin ngừa sốt rét: Không nên, vì sao?


Nhiều khách nước ngoài khi đến du lịch ở Việt Nam và Việt kiều ở hải ngoại về thăm quê nhà thường được bác sĩ ở nước sở tại cho sử dụng thuốc mefloquin để phòng bệnh sốt rét. Vậy thuốc này có tác dụng như thế nào đối với bệnh sốt rét?
Đặc điểm của thuốc mefloquin
Mefloquin là loại thuốc chống sốt rét thuộc nhóm 4 - quinolein methanol, thường dùng dưới dạng muối chlohydrat ít tan trong nước và chỉ sử dụng bằng đường uống. Thuốc được bào chế dưới dạng viên 250mg và 50mg base với tên các biệt dược như lariam, mephaquin. Đây là một loại thuốc sốt rét thải chậm. Thuốc đạt được nồng độ cao ở trong máu sau khoảng thời gian từ 4 đến 12 giờ và được chuyển hóa trong gan; thải trừ 90% theo mật và 10% qua thận. Chất chuyển hóa chính xuất hiện rất nhanh ở huyết tương và tồn tại lâu với nồng độ cao hơn chất mefloquin gốc; thời gian bán thải của thuốc dài, trung bình khoảng 21 ngày.
 Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Thuốc có tác dụng diệt thể vô tính trong hồng cầu của cả 4 chủng loại ký sinh trùng Plasmodium falciparum, Plasmodium vivax, Plasmodium malariae và Plasmodium ovale nhưng không diệt được thể ngủ ở trong gan và thể giao bào của ký sinh trùng sốt rét.
Với liều thuốc điều trị quy định, thuốc có thể làm cho bệnh nhân bị chóng mặt, rối loạn tầm nhìn từ 20 - 30% các trường hợp; người bệnh buồn nôn, nôn và có mạch xoang chậm từ 10 - 15% các trường hợp. Các dấu hiệu thường xuất hiện 12 giờ sau khi uống thuốc, đồng thời có thể kéo dài từ 24 - 36 giờ. Tần số các triệu chứng phụ này xuất hiện ở những người uống thuốc để dự phòng sốt rét thấp hơn, chỉ chiếm khoảng từ 5 - 6% các trường hợp.
Không nên sử dụng thuốc mefloquin cho trẻ em có cân nặng dưới 15kg và chống chỉ định dùng cho phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
Ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc mefloquin
Trong vòng 10 năm, từ năm 1972 đến năm 1982, mefloquin khi mới được sử dụng đã tỏ ra có hiệu lực cao đối với sốt rét nhiễm ký sinh trùng Plasmodium falciparum kháng lại với thuốc chloroquin. Tỷ lệ khỏi bệnh có thể chiếm khoảng trên 95% các trường hợp với liều duy nhất từ 12,5 - 20mg base/kg cân nặng cơ thể. Những năm 1982 - 1986, tại Thái Lan đã thông báo bắt đầu có hiện tượng sốt rét nhiễm Plasmodium falciparum kháng lại thuốc mefloquin bằng phương pháp thử nghiệm trên bệnh nhân (in vivo) và trong phòng thí nghiệm (in vitro); mức độ kháng tăng nhanh và cao, trên 50% các trường hợp tại một số vùng giáp ranh với Campuchia và Myanmar. Ở châu Phi, mãi đến năm 1994 các nhà khoa học mới phát hiện tình trạng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc mefloquin bằng phương pháp thử nghiệm trong phòng thí nghiệm nhưng ít gặp các trường hợp kháng thuốc bằng thử nghiệm trên bệnh nhân sốt rét. Tại châu Mỹ, cho đến năm 1994, mefloquin vẫn còn nhạy cảm và đáp ứng điều trị đối với ký sinh trùng sốt rét.
 Ký sinh trùng P. Falciparum trong hồng cầu.
Tại Việt Nam, mefloquin là một loại thuốc sốt rét mới được sử dụng từ năm 1990 để điều trị các trường hợp sốt rét nhiễm Plasmodium falciparum kháng lại với thuốc chloroquin nhưng số lượng sử dụng còn hạn chế. Các nhà khoa học đã thực hiện những thử nghiệm trên lâm sàng đối với thuốc mefloquin ở nhiều vùng khác nhau ghi nhận thuốc có đáp ứng điều trị với hiệu quả cao nhưng lẻ tẻ cũng đã xuất hiện hiện tượng ký sinh trùng sốt rét kháng lại thuốc điều trị. Ở miền Bắc, vào năm 1990 đã thử nghiệm trên bệnh nhân sốt rét với liều sử dụng 15mg/kg cân nặng và theo dõi trong vòng 28 ngày, ghi nhận chỉ có 3,2% các trường hợp kháng thuốc độ RI. Tại một số điểm nghiên cứu tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng vào thời điểm năm 1990, ghi nhận tỷ lệ kháng thuốc độ RI chiếm đến 11%. Kể từ đây, qua các nghiên cứu theo dõi, đánh giá đã phát hiện tình trạng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc mefloquin ngày càng gia tăng và lan rộng.
Ở nước ta, trong Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sốt rét được Bộ Y tế ban hành vào năm 2003 đã đưa thuốc mefloquin vào một trong các danh mục thuốc sốt rét thiết yếu để sử dụng tại cơ sở y tế tuyến huyện, tỉnh và trung ương. Trong hướng dẫn đã chỉ định việc uống thuốc phòng sốt rét cho đối tượng có nguy cơ tạm thời như khách du lịch, người đến công tác có thời hạn trong vòng 6 tháng ở các vùng sốt rét lưu hành có thể uống thuốc phòng sốt rét hàng tuần trong thời gian ở vùng sốt rét và 4 tuần sau khi ra khỏi vùng sốt rét với thuốc mefloquin tại những vùng kháng thuốc đã được xác định.
 
Ngoài ra, người mới định cư trong vùng sốt rét kháng thuốc cũng phải uống thuốc phòng trong vòng 6 tháng đầu với thuốc mefloquin hàng tuần. Đối với các vùng sốt rét chưa kháng thuốc chloroquin, còn nhạy cảm với thuốc thì có thể sử dụng thuốc chloroquin để uống dự phòng. Liều thuốc uống phòng được quy định dùng theo lứa tuổi. Trong điều trị bệnh nhân sốt rét, hướng dẫn chỉ định không sử dụng mefloquin đơn thuần liều duy nhất mà phải phối hợp với thuốc artesunat 3 ngày để tăng hiệu quả điều trị. 
Với những nhược điểm do tác dụng phụ không mong muốn của thuốc mefloquin và tình trạng ký sinh trùng sốt rét kháng lại loại thuốc này ngày càng gia tăng và lan rộng. Trong Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét được Bộ Y tế ban hành năm 2009 đã loại bỏ mefloquin ra khỏi danh mục thuốc sốt rét được sử dụng tại Việt Nam. Từ mốc thời gian này, các cơ sở y tế ở nước ta không được sử dụng thuốc mefloquin để chỉ định cho người dân uống phòng sốt rét và không dùng trong điều trị bệnh nhân sốt rét. Phương thức uống phòng sốt rét đối với các loại thuốc sốt rét khác cũng được loại bỏ và được thay thế bằng phương thức cấp thuốc tự điều trị để hạn chế tình trạng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc có khả năng xảy ra trong tương lai, tạo nên sự khó khăn về chuyên môn kỹ thuật đối với công tác phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét.
Có thể nói rằng mefloquin là loại thuốc đã có một thời sử dụng có hiệu quả đối với việc phòng bệnh và điều trị sốt rét nhưng hiện nay không còn được ưa chuộng nữa do tình trạng ký sinh trùng kháng thuốc lan rộng, thuốc gây nên nhiều tác dụng phụ không mong muốn và tương tác thuốc. Mefloquin đã đi vào quá khứ sau khi hoàn thành sứ mạng lịch sử và các cơ sở sản xuất đã hạn chế cung cấp sản phẩm.         
Khuyến nghị
Khách du lịch ở nước ngoài khi đến Việt Nam và Việt kiều ở các nước về thăm quê nhà không nên sử dụng thuốc mefloquin để uống phòng sốt rét như thời gian trước đây nữa vì không còn phù hợp.
Việc tương tác thuốc khi sử dụng mefloquin kết hợp với các loại thuốc khác dùng một cách vô tình để điều trị một số bệnh cũng có thể đem lại những hậu quả xấu như:
Nếu mefloquin phối hợp với natri valproat, valpromid thì mefloquin có thể gây cơn động kinh vì thuốc mefloquin làm giảm hàm lượng natri valproat hoặc valpromid trong huyết tương do làm tăng chuyển hóa valproat. Chính mefloquin gây nên cơn co giật.
Dùng mefloquin với các loại thuốc tim mạch như thuốc ức chế bêta cũng có thể gây chậm nhịp tim.
Có thể có tương tác giữa mefloquin với thuốc chống đông máu kháng vitamin K như warfarin làm tăng nguy cơ chảy máu hoặc tương tác giữa mefloquin với thuốc chống tiểu đường gây choáng do hạ đường huyết. 
 
BS. Nguyễn Trâm Anh
Theo SK&ĐS