60% bệnh nhân chuyển sang mạn tính, số khác suy giảm chức năng gan thận khi đến gặp bác sĩ. Thông tin vừa được các bác sĩ chuyên khoa tại TP HCM công bố sau 5 năm tiếp xúc điều trị bệnh này.
Bàn chân biến chứng của một bệnh nhân gút nhập viện muộn. Ảnh: Cao Lâm. |
Giáo sư - tiến sĩ Hoàng Khải Lập, Phó Viện Nghiên cứu bệnh gút cho biết, khi đến điều trị, rất nhiều bệnh nhân thậm chí đã chuyển sang tiểu đường, bệnh mạch vành, viêm loét dạ dày, tá tràng do dùng thuốc chống viêm giảm đau kéo dài.
“5% đã bị biến chứng nặng như phù nề, giữ nước, loãng xương, các khớp bị phá hủy gây biến dạng khớp, suy thận ở các mức độ khác nhau, tophi vỡ để nhiễm trùng kéo dài do suy giảm hệ thống miễn dịch”, ông Lập nói.
Theo nhận xét của các bác sĩ, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên một phần do bệnh diễn tiến âm thầm, phần khác do bệnh nhân “điều trị cẩu thả”.
“Vấn đề không phải do không có thuốc tốt để kiểm soát các cơn gút cấp tái phát, mà do sự chủ quan của nhiều bệnh nhân trong dùng thuốc, cẩu thả trong sinh hoạt ăn uống để bệnh tiến triển nặng”, ông Lập nói.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Thu, nguyên giám đốc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP HCM, cho biết, hiện các bệnh viện tại TP HCM chưa có một khoa chuyên điều trị gút nên bệnh nhân thường có xu hướng tự tìm thuốc điều trị.
"Việc tùy tiện sử dụng thuốc không có chỉ dẫn của bác sĩ trong một thời gian dài có thể làm cho tình trạng sức khỏe của bệnh nhân trở nên trầm trọng hơn", bác sĩ Thu nói.
Để ngăn các biến chứng nguy hiểm dẫn đến điều trị vừa khó khăn vừa tốn kém, bác sĩ Thu khuyên người bệnh đến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm khi có các dấu hiệu viêm, sưng, nóng da, tấy đỏ, đau khớp.
Nguyên nhân trực tiếp gây bệnh gút là axit uric. Người có axit uric máu cao nên kiêng hoặc hạn chế các thực phẩm chứa nhiều nhân purin như phủ tạng động vật (gan, thận, não, tụy...), các loại thịt có màu đỏ, các loại hải sản, nấm, đậu... Không dùng các đồ ăn thức uống có tính kích thích như trà đặc, cà phê, rượu trắng, hạt tiêu, hồi, quế, ớt.
Cao Lâm