Viêm mũi xoang dị ứng có thể biểu hiện đơn thuần, có thể kết hợp với các bệnh dị ứng khác như: hen phế quản, viêm kết mạc dị ứng, viêm da dị ứng...
Bệnh thường xuất hiện thành từng cơn với các triệu chứng điển hình khi có tiếp xúc với dị nguyên (dị nguyên hay gặp là bụi nhà, ngoài ra, có những dị nguyên khác như lông vũ, nấm mốc, bụi bông...). Bệnh thường xuất hiện khi có sự thay đổi thời tiết với biểu hiện: Ngứa mũi thường là triệu chứng đặc hiệu, ngứa cả hai bên hốc mũi, lan xuống họng và lên cả mắt; Hắt hơi thành từng tràng, liên tục 5 - 10 cái, không kiềm chế được, có khi hắt hơi nhiều gây váng đầu; Chảy nước mũi loãng, trong như nước lã, số lượng nhiều.
Các cơn viêm mũi xoang dị ứng thường kéo dài vài ngày, có thể tự qua đi dù không điều trị gì. Cơn sẽ luôn tái phát theo mùa, theo tuổi tác, theo tiếp xúc. Khi bệnh tiến triển kéo dài, niêm mạc mũi xoang có thể thoái hoá thành polyp.
Điều trị bằng cách nào?
Nguyên tắc chung: Viêm mũi xoang dị ứng do nhiều nguyên nhân khác nhau, biểu hiện lâm sàng ở mỗi người một khác, thay đổi theo môi trường, cơ địa, sự quá mẫn của cơ thể nên không thể áp dụng một phương thức điều trị chung, cứng nhắc, cần thay đổi theo từng người, từng hoàn cảnh, từng thời gian.
Điều trị triệu chứng là quan trọng:
Tại chỗ: hằng ngày rửa mũi bằng nước muối sinh lý. Xịt thuốc corticoid tại chỗ. Chỉ dùng thuốc co mạch khi thật cần thiết. Toàn thân: dùng các thuốc kháng histamin. Dùng thuốc corticoid theo nguyên tắc giảm dần liều. Tuy nhiên, cần lưu ý các tác dụng phụ của thuốc như loãng xương, xuất huyết tiêu hóa.
Điều trị nguyên nhân là cơ bản: Khi xác định được dị nguyên, cần thực hiện tiêm giảm mẫn cảm đặc hiệu với dị nguyên với liều tăng dần theo phác đồ. Ngày nay, các nhà khoa học đã chiết xuất ra dị nguyên dùng dưới lưỡi nhằm tăng hiệu quả điều trị và đơn giản trong sử dụng.
Phòng tránh
Tránh, giảm tiếp xúc với dị nguyên, đặc biệt đối với viêm mũi xoang dị ứng nghề nghiệp. Vệ sinh môi trường ở, nơi làm việc, tránh ẩm mốc. Nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
Theo SK&ĐS