Migraine chiếm khoảng 10 - 12% dân số (Theo tài liệu của Pháp), gặp nhiều ở nữ giới, thường khởi đầu ở tuổi từ 10 - 40 (chiếm 90 %), một số xuất hiện ở trẻ em, hiếm khi ở lứa tuổi trên 40, bệnh có tính chất gia đình (70%).
Tần số cơn thưa hoặc mau tùy theo từng bệnh nhân. Ở nữ, đại đa số cơn đau xuất hiện xung quanh thời kỳ kinh nguyệt, ngược lại tần số cơn giảm trong thời gian có thai hoặc khi mãn kinh. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới khởi phát cơn đau như yếu tố tâm lý, thức ăn, môi trường... Điều trị Migraine bao gồm điều trị cắt cơn đau (điều trị cơn) và điều trị dự phòng cơn (điều trị nền). Mặc dù hiện nay có rất nhiều loại thuốc chữa bệnh hiệu quả nhưng số bệnh nhân đến khám và được điều trị còn ít. Sau đây chúng tôi giới thiệu 6 lời khuyên cho bệnh nhân đau nửa đầu:
1. Lời khuyên thứ nhất
Với đa số bệnh nhân đau đầu Migraine, thuốc kháng viêm giảm đau không thuộc nhóm Corticoid (AINS) là loại thuốc có tác dụng giảm đau mạnh, được sử dụng để cắt cơn đau. Ngoài Aspirin (500 - 2000mg/ngày), những thuốc có tác dụng giảm đau mạnh thường được sử dụng là: Ibuprofen (1000mg - 2000mg/ngày), Naproxen (Apranax: 550 - 1100mg/ngày). Nên uống ngay khi bắt đầu xuất hiện cơn đau. Chống chỉ định trong trường hợp loét dạ dày - tá tràng, dị ứng với thuốc.
2. Lời khuyên thứ hai
Khi cơn đau không còn tác dụng với thuốc AINS, cần điều trị thử bằng Ergotamin tartrat (viên1mg), uống 2mg ngay khi cơn đau xuất hiện và có thể nhắc lai sau 30 phút nếu cơn đau vẫn còn, không vượt quá 4mg/ngày và 10mg/tuần. Tác dụng phụ: nôn, buồn nôn, co động mạch, máy cơ. Chống chỉ định trong trường hợp suy vành, hội chứng Raynaud, tăng huyết áp nặng, suy gan, có thai, trẻ em đưới 10 tuổi, phối hợp với thuốc Macrolide hoặc thuốc chống trầm cảm 3 vòng.
3. Lời khuyên thứ ba
Trong trường hợp bệnh nhân có nôn, phải dùng thuốc bằng đường tiêm truyền và cần điều trị triệu chứng nôn.
Hình minh họa
4. Lời khuyên thứ tư
Bệnh nhân đau nửa đầu cần được điều trị dự phòng cơn trong những trường hợp sau:
- Có ít nhất hai cơn trong một tháng.
- Trong trường hợp không sử dụng được các thuốc cắt cơn hoặc không hiệu quả.
- Phải sử dụng thuốc điều trị cắt cơn quá hai lần trong một tuần.
- Cơn đau bất thường phối hợp với liệt nửa người hoặc những dấu hiệu báo hiệu kéo dài.
5. Lời khuyên thứ năm
Để điều trị dự phòng, nên dùng một loại thuốc, dùng với liều tăng dần cho tới khi tác dụng. Đợt điều trị kéo dài 3 - 6 tháng. Những thuốc có thể dùng trong điều trị dự phòng là:
- Propranolol viên nén 40mg, liều lượng từ 40 - 160mg/ngày chia làm 2 - 3 lần. Tác dụng phụ: hạ huyết áp, mệt mỏi, rối loạn tiêu hoá, ác mộng, ít ngủ. Chống chỉ định: rối loạn dẫn truyền, nhịp tim chậm < 50 lần/phút, suy tim, hội chứng Raynaud, hen phế quản, phối hợp với thuốc chống trầm cảm ba vòng.
- Amitriptyline viên nén 25mg, liều từ 25 - 75mg/ngày chia 2 lần. Tác dụng phụ: hạ huyết áp tư thế, ngủ gà, lú lẫn, khô miệng, run, táo bón, bí đái, tăng cân. Chống chỉ định: glocom góc đóng, u tuyến tiền liệt, loạn nhịp tim, rối loạn dẫn truyền, động kinh, có thai.
- Dihydro Ergotamine viên nén 3mg, liều lượng 9mg/ngày chia làm 3 lần, uống ngay trước bữa ăn. Tác dụng phụ: buồn nôn, nôn, chuột rút, ỉa chảy. Chống chỉ định phối hợp với Macrolide, bệnh mạch vành.
- Ngoài ra còn nhiều thuốc khác có hiệu quả trong điều trị dự phòng nhưng ít được sử dụng vì tác dụng phụ của nó.
6. Lời khuyên thứ sáu
- Các bệnh nhân đau nửa đầu cần phải được phổ biến kiến thức để biết cách phòng tránh những yếu tố khởi phát cơn đau cũng như biết cách điều trị dự phòng. Mỗi bệnh nhân cần có sổ theo dõi cơn cũng như tác dụng không mong muốn của thuốc để báo lại bác sĩ. Các yếu tố khởi phát cơn cần phải tránh:
- Thức ăn uống: rượu, cà phê, chocola.
- Các yếu tố thái độ, tập tính: thiếu ngủ hoặc ngủ quá nhiều, bỏ bữa, stress hoặc sau stress, kinh nguyệt, mệt mỏi, hoạt động thể lực mạnh.
- Yếu tố môi trường: tiếng ồn. thay đổi thời gian, nước hoa hoặc khói thuốc lá, độ cao, phơi nắng, chói mắt.