Cách chức Phó trưởng Khoa Sản BV Quảng Ngãi


Chiều 31-7, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi Phạm Hồng Phương đã ký quyết định kỷ luật ông Huỳnh Ngọc Thanh - Trưởng Khoa Sản và bà Võ Thị Bích Vân - Phó trưởng Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi do liên quan cả về chuyên môn lẫn công tác quản lý, dẫn đến hậu quả làm tử vong 2 sản phụ và 3 trẻ sơ sinh tại bệnh viện.

Theo quyết định số 741, hình thức kỷ luật đối với bà Võ Thị Bích Vân - bác sĩ chuyên khoa cấp 1, Phó trưởng Khoa Phụ sản Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi - theo hình thức cách chức phó trưởng khoa do đã không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành; chưa thực hiện đúng quy chế chuyên môn trong phiên trực dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đối với hai trường hợp mẹ, con sản phụ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh và trẻ sơ sinh con của sản phụ Trần Thị Vân Anh.
 
Theo quyết định số 740, kỷ luật theo hình thức khiển trách đối với ông Huỳnh Ngọc Thanh, Trưởng Khoa Sản, vì trong quản lý, điều hành khoa chưa chặt chẽ, thiếu kiểm tra, giám sát; kỷ luật, kỷ cương trong khoa chưa nghiêm minh nên để xảy ra các trường hợp sai phạm trong chuyên môn của nhân viên đối với 3 trường hợp tử vong mẹ, con sản phụ Lê Thị Hương; mẹ và con sản phụ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh và trường hợp tử vong trẻ sơ sinh con sản phụ Trần Thị Vân Anh.
 
Thời gian kỷ luật đối với ông Huỳnh Ngọc Thanh là 12 tháng kể từ ngày 1-8-2012.
Nỗi đau của gia đình sản phụ Nguyễn Thị Hương sau khi nghe hung tin.
 
Trước đó, Sở Y tế Quảng Ngãi cũng đã có công văn thông báo kết luận chính thức về hai trường hợp tai biến sản khoa này. Theo đó, trường hợp tử vong cả mẹ và con sản phụ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (ngụ xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) vào ngày 24-4 là do vỡ tử cung phức tạp và vỡ bàng quang trong giai đoạn chưa chuyển dạ, sản phụ có vết mổ đẻ cũ, sản giật, rối loạn đông máu.
 
Tai biến này có thể tránh được nếu quá trình theo dõi chặt chẽ, xử trí phù hợp đúng lúc. Thế nhưng, bác sĩ nhận bệnh và điều trị tại khoa sản đã không thực hiện tốt quy chế chuyên môn như theo dõi diễn biến bệnh không thường xuyên, thiếu chặt chẽ; nhận định, tiên lượng, đánh giá vỡ tử cung trên một sản phụ có vết mổ lấy thai cũ chưa chính xác; xử lý chưa kịp thời, thiếu tích cực.
 
Đối với trường hợp trẻ sơ sinh con của sản phụ Trần Thị Vân Anh (ngụ phường Trần Phú, TP Quảng Ngãi) tử vong ngày 22-6 được chẩn đoán là do suy hô hấp nặng không hồi phục. Với ca tai biến này, bác sĩ đã khám, chỉ định siêu âm nhưng lại không thực hiện cho sản phụ, cho chỉ định đo biểu đồ tim thai-cơn gò nhưng không đọc kết quả. Vì vậy đã khiến trẻ sơ sinh tử vong.
 
Được biết, trong các vụ sản phụ tử vong thì riêng vụ sản phụ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (39 tuổi, ngụ huyện Tư Nghĩa) tử vong có dấu hiệu vi phạm hình sự. Bởi trong hồ sơ bệnh án của sản phụ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh tại Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi có dấu hiệu bị chỉnh sửa. Hiện vụ việc cũng đang được cơ quan công an tiếp tục xác minh làm rõ.
Sau hai quyết định này, Sở Y tế Quảng Ngãi sẽ tiếp tục xem xét và có hướng điều chuyển công tác đối với bà Võ Thị Bích Vân tại các cơ sở y tế thuộc quản lý của sở. Riêng đối với các bác sĩ, nữ hộ sinh có liên quan đến các vụ tai biến nhưng không tham gia hoạt động quản lý, sở y tế giao Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi tiến hành các biện pháp kỷ luật dựa theo các quy định đã ban hành.
(Theo Báo Quảng Ngãi)

Cách chức Phó khoa Sản, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi


Liên quan đến những ca sản phụ, thai nhi và bé sơ sinh tử vong vừa qua tại Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, chiều 31-7, Giám đốc Sở y tế Quảng Ngãi Phạm Hồng Phương đã ký các Quyết định kỷ luật khiển trách BS Huỳnh Ngọc Thanh (Trưởng khoa Sản), cách chức Phó khoa Sản với BS Võ Thị Bích Vân và chuyển BS Vân đến nhận nhiệm vụ ở đơn vị khác trong ngành.
Riêng đối với các y, bác sĩ có liên quan (không thuộc Sở Y tế bổ nhiệm), Giám đốc Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi Nguyễn Xuân Mến tiến hành kiểm điểm, làm rõ mức độ sai sót từng cá nhân trong công tác chuyên môn và đã xử lý kỷ luật theo quy định của ngành.
Theo hồ sơ kết luận của Hội đồng chuyên môn Sở Y tế Quảng Ngãi, ngày 20-4-2012 trường hợp tử vong của sản phụ Lê Thị Hương (23 tuổi), ở xã Long Hiệp, huyện Minh Long, Quảng Ngãi là do bác sĩ khoa sản không phát hiện và ghi nhận được bệnh lý tim, mạch, không có biện pháp can thiệp kịp thời, hiệu quả dẫn đến sản phụ bị tai biến, tử vong.
Trường hợp thứ hai: Sản phụ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (39 tuổi), ở xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi tử vong ngày 30/4/2012 tại Bệnh viện Đà Nẵng. Trước khi chuyển viện đi Đà Nẵng, bác sĩ tiếp nhận bệnh nhân và điều trị tại Khoa Sản, Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi đã không thực hiện tốt quy chế chuyên môn (theo dõi diễn biến bệnh không thường xuyên, thiếu chặt chẽ), xử lý chưa kịp thời, thiếu tích cực, gây tai biến sản khoa vỡ tử cung phức tạp trên một sản phụ có vết mổ lấy thai cũ.
Trường hợp thứ ba: Bé sơ sinh là con sản phụ Trần Thị Vân Anh, tử vong ngày 22/6/2012 (ở tổ 14, phường Lê Hồng Phong, TP. Quảng Ngãi). Sản phụ Vân Anh được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi trong tình trạng chuyển dạ vào lúc 23 giờ tối 20-6. Bác sĩ trực chính là Võ Thị Bích Vân. Thẩm định tử vong cho thấy suy hô hấp nặng không hồi phục, vỡ ối, hít phân su/thai nhi già tháng độ II. Nguyên nhân là do bác sĩ nhận bệnh đã khám cho sản phụ có ghi chỉ định làm xét nghiệm cơ bản và siêu âm, nhưng lại không thực hiện siêu âm; cho chỉ định đo biểu đồ tim thai-cơn go (cardiotocogram: CTG) trên monitor, nhưng không đọc kết quả theo dõi. Trong khám lâm sàng chưa ghi nhận các triệu chứng cụ thể (cơn go, tim thai). Bác sỹ trưởng kíp trực không thực hiện khám bệnh nhân mới theo quy định của ngành…
CHI SAN

Lạm dụng truyền dịch: “Hội chứng” nguy hiểm


Nhiều người khi cảm thấy mệt mỏi, ăn uống kém, ngủ ít là nghĩ ngay đến việc truyền dịch nhằm phục hồi sức khỏe. Thực ra, dịch truyền chỉ là liều thuốc hiệu quả khi được dùng đúng bệnh, đúng lúc và đúng liều. Việc lạm dụng hoặc dùng sai chỉ định có thể dẫn đến nhiều tai biến.
Thực trạng đáng suy ngẫm
Ở các phòng mạch tư và một số nhà thuốc, hiện tượng người không bệnh tật gì đến đề nghị được truyền dịch là phổ biến. Nhiều người chỉ bị đau đầu nhưng cứ nằng nặc đòi vô “nước biển”. Khi gặp bác sĩ, dược sĩ có chuyên môn và có ý tốt khuyên không nên thì họ phản ứng bằng cách bỏ đi nơi khác để được “tiếp nước”.
Điều đáng nói ở đây là cả người muốn “tiếp nước” và người thực hiện việc “tiếp nước” đều cảm thấy hài lòng, dù việc làm đó nhiều khi không cần thiết, tốn kém tiền bạc, thời gian, chưa kể có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Nguy hiểm hơn nữa, một số gia đình hay có người ốm thì đến người thân, người giúp việc cũng trở thành “bác sĩ, y tá” và cũng tham gia vào “công tác” truyền dịch. Hội chứng này đặc biệt phổ biến ở nông thôn, nơi kiến thức về chăm sóc sức khỏe của người dân còn hạn chế, việc giám sát hành nghề y dược tư nhân chưa chặt chẽ.

 Truyền dịch chỉ an toàn khi có chỉ định và sự theo dõi của bác sĩ.   Ảnh: TM
Dịch truyền là gì?

Dịch truyền là loại dung dịch hòa tan chứa nhiều chất khác nhau, có thể tiêm chậm hoặc truyền trực tiếp vào tĩnh mạch người bệnh. Phần lớn dung môi sử dụng là nước cất, ngoài ra có thể sử dụng một số loại dung môi khác để hòa tan dược chất.
Hiện có khoảng trên 20 loại dịch truyền, được chia thành 3 nhóm cơ bản sau:
Nhóm cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể: bao gồm dung dịch glucose các loại 5%, 10%, 20%, 30% và các dung dịch chứa chất đạm, chất béo và vitamin.
Nhóm cung cấp nước và các chất điện giải, dùng trong trường hợp mất nước, mất máu (tiêu chảy, bỏng, ói mửa...). Đó là các dung dịch lactate ringer, natri clorua 0,9%, bicarbonate natri 1,4%...
Nhóm đặc biệt như huyết tương tươi, dung dịch chứa albumin, dung dịch dextran, haes-steril, gelofusin hay dung dịch cao phân tử... dùng trong các trường hợp cần bù nhanh chất albumin hoặc lượng dịch tuần hoàn trong cơ thể.
Các loại dịch truyền đều là thuốc dạng đặc biệt, chỉ được dùng khi bác sĩ khám và kê đơn.    
Khi nào cần truyền dịch?

Tai biến truyền dịch có thể xảy ra tại nơi truyền như: phù chỗ tiêm, đau sưng nơi vùng đang truyền dịch, viêm tĩnh mạch nhất là khi truyền các loại dịch ưu trương. Hoặc gây phản ứng toàn thân như: cảm giác lạnh, rét run, sắc mặt tái nhợt, vã mồ hôi, khó thở, đau ngực các trường hợp này phải báo ngay nhân viên y tế, để kịp thời xử trí để tránh được những diễn tiến nguy hiểm hơn.

Trong cơ thể của mỗi con người, đều có các chỉ số trung bình trong máu về đường, muối, các chất điện giải... Nếu một trong các chỉ số trung bình trên còn thấp hơn mức độ chỉ số bình thường cho phép thì lúc đó chúng ta mới bù đắp, nhưng làm sao biết được sự thiếu hụt này, và bù đắp bao nhiêu cho đủ?

Các bác sĩ thường hay dựa vào các kết quả của xét nghiệm để thấy được trường hợp nào cần thiết và trường hợp nào chưa cần thiết để truyền bổ sung. Trong một số trường hợp, các bác sĩ tuy chưa có được những kết quả xét nghiệm vẫn phải cho bệnh nhân truyền dịch như: bệnh nhân bị mất nước, mất máu, suy dinh dưỡng nặng, bị ngộ độc, trước và sau khi phẫu thuật... Thường phải thực hiện truyền dịch ở những cơ sở cấp cứu của bệnh viện.
Nguy cơ nào có thể xảy ra?
Kỹ thuật truyền dịch phải được thực hiện an toàn, đảm bảo không tai biến, không dị ứng, sốc, nhiễm khuẩn, phù não, rối loạn điện giải vì những tai biến có thể xảy ra rất bất ngờ, đột ngột và không báo trước. Do vậy, về nguyên tắc, việc truyền dịch phải được tiến hành ở cơ sở y tế có bác sĩ, có đủ điều kiện và thiết bị xử lý các tai biến khi truyền. Tuy nhiên, do tâm lý “điếc không sợ súng” nên nhiều người dân vẫn cố tình lạm dụng việc truyền dịch, còn các nhân viên y tế có thể cũng vì lợi nhuận mà... không tuân thủ quy tắc.
Tóm lại, chúng ta đừng nghĩ dịch truyền luôn luôn tốt cho sức khỏe. Dịch truyền chỉ thực sự có lợi khi cơ thể chúng ta cần thiết. Còn trong những trường hợp bình thường thì dịch truyền không những không có lợi mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe do bị một số tai biến nguy hiểm. Việc truyền dịch chỉ an toàn khi có chỉ định của bác sĩ, để xác định cơ thể bệnh nhân đang trong tình trạng như thế nào và cần những loại dịch truyền gì. Cần tuân thủ tuyệt đối các quy định trong truyền dịch về tốc độ, thời gian, số lượng, dụng cụ phải đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối.
Ngoài ra, nơi truyền dịch phải có đủ các điều kiện xử lý chống sốc để phòng sự cố. Người truyền dịch phải có trình độ chuyên môn. Điều quan trọng là người bệnh phải được theo dõi thật sát trong suốt quá trình truyền dịch, để khi xảy ra tai biến hay biến chứng sẽ được xử trí cấp cứu kịp thời.
Ths. Nguyễn Thu Hiền
Theo SK&ĐS

Phát hiện và xử trí sốc phản vệ


Sốc phản vệ là một dạng phản ứng dị ứng cấp tính toàn thể, nặng và có thể đe dọa tính mạng nếu không được xử trí kịp thời. Rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây ra sốc phản vệ. Một số trường hợp sốc phản vệ không xác định được chính xác nguyên nhân hoặc có sự phối hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau, gây khó khăn cho việc chẩn đoán.
Biểu hiện chủ yếu của sốc phản vệ ở da, niêm mạc, đường hô hấp và hệ tim mạch. Sốc phản vệ thường gặp nhất là do các loại thuốc bao gồm cả thuốc tiêm và thuốc uống, dịch truyền, thức ăn và nọc côn trùng. Sốc phản vệ do thức ăn thường gây ra do các loại thủy hải sản, trứng và lạc. Trong khi đó, các thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm giảm đau, giãn cơ, gây tê gây mê là những nguyên nhân thường gặp nhất của sốc phản vệ do thuốc (còn được gọi là sốc thuốc). Nọc côn trùng, đặc biệt là các loại nọc ong, cũng là một nhóm nguyên nhân khá phổ biến gây ra sốc phản vệ ở nhiều nơi trên thế giới.
 Sốc phản vệ do tiêm tĩnh mạch rất nguy hiểm.
Nhận biết sốc phản vệ
Nhận biết sớm để có thể xử trí kịp thời sốc phản vệ là hết sức quan trọng đối với tính mạng người bệnh. Cần nghi ngờ xảy ra sốc phản vệ khi bệnh nhân sau tiếp xúc với một tác nhân lạ đột ngột cảm thấy khó chịu, ớn lạnh, hoảng hốt, lo sợ, sau đó nhanh chóng xuất hiện các triệu chứng ở da, niêm mạc (như nóng bừng, nổi ban đỏ ngứa, phù mắt, phù môi, ngạt mũi…), ở hệ hô hấp (như khó thở, thở rít), ở hệ tiêu hóa (như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy) và hệ tim mạch (đau ngực, đau đầu, chóng mặt, ngất, tái nhợt, tụt huyết áp). Các triệu chứng ở da, niêm mạc có thể không đe dọa tính mạng người bệnh nhưng là những dấu hiệu có giá trị gợi ý giúp phát hiện sớm sốc phản vệ. Cần lưu ý là có khoảng 20% các trường hợp sốc phản vệ không có các biểu hiện ở da, niêm mạc, một số khác lại biểu hiện khởi đầu với các triệu chứng ở hệ tuần hoàn như tụt huyết áp.
Xử trí sốc phản vệ
Adrenaline là thuốc quan trọng nhất trong điều trị cấp cứu sốc phản vệ và cần có sẵn ở tất cả những nơi có thể xảy ra sốc phản vệ.
Phác đồ điều trị cụ thể có thể khác nhau tùy thuộc vào trình độ và kỹ năng của thày thuốc cũng như điều kiện trang thiết bị, tuy nhiên, adrenaline tiêm bắp vẫn là liệu pháp điều trị căn bản và có tính chất cứu mạng người bệnh đối với dạng phản ứng nguy hiểm này. Vì lý do đó, adrenaline cần phải được chuẩn bị trước ở tất cả những tình huống có nguy cơ xảy ra sốc phản vệ như tiêm truyền thuốc, truyền dịch, gây tê gây mê, tiếp xúc với ong... Về cơ chế, adrenaline tác động trên các thụ thể thần kinh giao cảm giúp giải quyết hầu hết các triệu chứng của sốc phản vệ, ví dụ như thuốc có tác dụng co mạch (giúp tăng huyết áp, giảm phù nề, ban đỏ), giãn cơ trơn phế quản, tăng sức co bóp cơ tim... Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, dùng adrenaline trong điều trị sốc phản vệ càng sớm thì hiệu quả càng cao, hầu hết các trường hợp cấp cứu sốc phản vệ thất bại là do chậm dùng adrenaline.
 
Tuy nhiên, giống như mọi thứ thuốc khác, adrenaline cũng có thể gây ra không ít các tác dụng không mong muốn, đặc biệt khi dùng đường tiêm truyền tĩnh mạch, thường gặp nhất là run chân tay, nhịp tim nhanh, đau tức ngực... Một số trường hợp nhồi máu cơ tim được cho là có liên quan với việc dùng adrenaline đường tĩnh mạch trong điều trị sốc phản vệ, mặc dù bản thân sốc phản vệ cũng có thể gây ra biến chứng này. Adrenaline đường tiêm bắp cho đến nay vẫn được coi là đường dùng ưu việt nhất trong điều trị sốc phản vệ do tính an toàn và hiệu quả cao. Khi đã được chẩn đoán là sốc phản vệ, bệnh nhân cần được nhanh chóng đặt trong tư thế nằm ngửa, thở ôxy, tiêm adrenaline vào bắp thịt với liều lượng phù hợp tùy từng trường hợp và lứa tuổi. Có thể tiêm nhắc lại sau 10 đến 15 phút cho đến khi huyết áp ổn định, vị trí tiêm nên được day nhẹ để thuốc dễ hấp thu. Nếu bệnh nhân bị tụt huyết áp nặng và kéo dài, adrenaline có thể được pha loãng và truyền tĩnh mạch để duy trì huyết áp.
 
Những trường hợp có khó thở hoặc thở rít không đáp ứng với adrenaline, cần cho bệnh nhân khí dung các thuốc giãn phế quản như salbutamol, terbutaline, hoặc tiêm tĩnh mạch diaphyllin. Đặt nội khí quản hoặc mở khí quản là cần thiết ở những bệnh nhân có phù nề đường hô hấp không đáp ứng với các thuốc điều trị. Các thuốc kháng histamine như diphenhydramine, dimedrol cũng nên được sử dụng và có hiệu quả tốt với các triệu chứng ở da và niêm mạc. Corticosteroid cũng cần được dùng sớm, có thể sử dụng hydrocortison 120mg hoặc methylprednisolon 40mg tiêm tĩnh mạch, nhắc lại sau 4-6 giờ.
Nếu sốc phản vệ gây ra do các thuốc tiêm bắp, tiêm dưới da hoặc do côn trùng đốt, nên garo ở phía trên vị trí tiêm hoặc bị đốt, áp lạnh hoặc tiêm adrenaline tại chỗ để hạn chế sự xâm nhập của dị nguyên vào máu (do tác dụng co mạch của thuốc). Những trường hợp sốc phản vệ do thức ăn nên được rửa dạ dày để loại bỏ những thức ăn gây dị ứng còn sót lại. Sau khi tình trạng sốc ổn định, bệnh nhân cần được theo dõi tại bệnh viện ít nhất 6-24 giờ để đề phòng sốc phản vệ có thể tái lại.
Những bệnh nhân có cơ địa dị ứng hoặc có tiền sử đã bị sốc phản vệ phải được tư vấn và hướng dẫn để có thể nhận biết được các dấu hiệu sớm của sốc phản vệ và có những biện pháp can thiệp kịp thời.  
BS. Nguyễn Hữu Trường
Theo SK&ĐS

Naproxen: Nên dùng tôi vào bữa ăn


Naproxen tôi là loại thuốc chống viêm không steroid. Tôi được chỉ định dùng trong các bệnh về xương khớp: Viêm cột sống dính khớp, thoái hóa xương - khớp, viêm khớp dạng thấp bao gồm cả viêm khớp thiếu niên; đau bụng kinh nguyệt; nhức đầu bao gồm cả chứng đau nửa đầu; đau sau phẫu thuật; đau do tổn thương phần mềm; gút cấp; sốt.
Không được dùng tôi cho bệnh nhân có tiền sử mẫn cảm với naproxen và các thuốc chống viêm không steroid khác, những người có tiền sử viêm mũi dị ứng, hen khí phế quản, nổi mề đay sau khi dùng aspirin, đặc biệt người đã có dị ứng với aspirin; suy gan, thận nặng; loét dạ dày – tá tràng; viêm trực tràng hoặc chảy máu trực tràng.
Tôi gây tác dụng không mong muốn trên đường tiêu hoá nên trong quá trình điều trị cần theo dõi các triệu chứng bất thường ở đường tiêu hóa đặc biệt với bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu. Khi có triệu chứng chảy máu đường tiêu hóa phải ngừng thuốc ngay.
Ở những bệnh nhân có nhiễm khuẩn hoặc nhiễm khuẩn tiềm tàng nếu dùng tôi có thể làm giảm sức đề kháng của cơ thể với yếu tố gây nhiễm khuẩn và làm lu mờ các triệu chứng nhiễm khuẩn. 95% naproxen và chất chuyển hóa của naproxen được lọc và thải trừ qua thận. Do vậy, khi dùng thuốc ở những bệnh nhân có tổn thương thận cần hết sức thận trọng và phải thường xuyên kiểm tra creatinin máu để chọn liều thấp nhất có tác dụng.
Tôi ức chế COX, làm giảm sự tưới máu các cơ quan nội tạng, do vậy ở những bệnh nhân suy tim, xơ gan, thận hư đang dùng thuốc lợi niệu, bệnh nhân suy thận mạn, đặc biệt ở người cao tuổi khi bắt đầu dùng naproxen cần phải kiểm tra cẩn thận thể tích nước tiểu và chức năng thận.
Ở những phụ nữ đang đặt dụng cụ tránh thai khi dùng naproxen phải chú ý vì thuốc làm giảm hiệu quả tránh thai. Khi đặt trực tràng, naproxen có thể gây kích ứng hoặc chảy máu. Thuốc làm giảm sự tập trung nên phải thận trọng khi lái tàu xe, vận hành máy móc. Không dùng naproxen cho phụ nữ có thai và cho con bú.
Tác dụng không mong muốn của tôi thường được biểu hiện: Đau bụng vùng thượng vị, buồn nôn, nôn, trướng bụng; đau đầu, ù tai, chóng mặt, mất ngủ hoặc buồn ngủ; ngứa, phát ban, chảy mồ hôi, ban xuất huyết; ù tai, rối loạn thính giác, rối loạn thị giác; phù, khó thở, đánh trống ngực.
Khi đang dùng thuốc, người bệnh thấy có các tác dụng không mong muốn cần ngừng ngay việc dùng thuốc và hỏi ý kiến thầy thuốc. Trong những trường hợp có rối loạn nhẹ ở đường tiêu hoá nên uống thuốc vào bữa ăn. Khi gặp các phản ứng bất thường nặng, cần phải đi đến trung tâm y tế gần nhất để kiểm tra để có hướng xử trí kịp thời.
Khi sử dụng tôi các bạn tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc nhé, vì nếu không ngoài việc gây những tương tác thuốc không thuận lợi cho sức khỏe của bạn mà còn có thể xảy ra những hậu quả đáng tiếc nếu các bạn dùng quá liều.          
  Nguyễn Châu
Theo SK&ĐS

Thuốc trong điều trị bệnh đau nửa đầu


Bệnh đau nửa đầu (BĐNĐ)là bệnh thường hay gặp với tỉ lệ là 5-10% dân số mắc phải và nữ mắc nhiều hơn nam. Bệnh gây ra những cơn đau nhức đầu dữ dội, thường ở một bên đầu và có thể kéo dài từ 2 giờ đến 2 ngày. Người bệnh bị rối loạn thị giác, buồn nôn, ói…
Hiện nay, y học vẫn chưa biết rõ nguyên nhân chính xác gây ra BĐNĐ, chỉ nhận thấy lượng Serotonin trong máu người bệnh bị sụt giảm đáng kể và bệnh thường có khuynh hướng gia đình.

Bệnh đau nửa đầu
Tuy nhiên, hiện nay người ta đã phát hiện ra một số yếu tố thuận lợi cho sự khởi phát BĐNĐ như:
- Yếu tố stress (căng thẳng, lo lắng, giận dữ...).
- Yếu tố thực phẩm: một số loại thực phẩm như chocolate, pho mát, sữa, rượu vang, cam, chanh...
- Yếu tố về môi trường sống như: tiếng động ồn ào, ánh sáng chói quá mức…
- Phụ nữ trong giai đoạn kinh nguyệt hay đang sử dụng thuốc ngừa thai.
BĐNĐ được chia làm 2 dạng: Dạng thông thường: cơn nhức đầu xuất hiện từ từ rồi tăng dần đến mức độ nghiêm trọng. Người bệnh cảm thấy có sự va đập mạnh ở đầu, kèm theo buồn nôn, ói.
Dạng cổ điển (hiếm gặp hơn): người bệnh cảm nhận những triệu chứng báo trước: mù lòa một phần hay tạm thời, sợ tiếng động, sợ ánh sáng… và tiếp theo mới đến cơn nhức đầu, buồn nôn, ói.
Thuốc điều trị bệnh đau nửa đầu
Tùy theo mục đích điều trị mà thuốc sử dụng trong điều trị bệnh này được chia làm 2 loại:
Nhóm thuốc cắt cơn:
Nhóm thuốc này được sử dụng để làm giảm cơn nhức đầu nghiêm trọng khi bệnh khởi phát và các thuốc được sử dụng gồm có:
- Thuốc giảm đau đơn thuần như paracetamol, aspirin hoặc thuốc kháng viêm NSAID như Ibuprofene, ketoprofene… thường được sử dụng để giảm cơn đau. Các loại thuốc này có thể phối hợp với codein hay cafein để tăng tác dụng giảm đau (như paracetamol + codein).
- Khi người bệnh bị nôn ói, có thể phối hợp với các thuốc chống nôn như Metoclopramide, Domperidone…
- Dihydroergotamin và Ergotamin là những Alkaloid của nấm cựa gà có tác dụng duy trì sự cân bằng vận mạch ở não và kháng Serotonin nên được sử dụng trong điều trị cắt cơn đau ở BĐNĐ.
Cần lưu ý các thuốc này thường làm tăng rối loạn tiêu hóa, gây tai biến do thiếu máu cục bộ, loạn dưỡng cơ ở chi và chống chỉ định với phụ nữ có thai, đang cho con bú, người suy gan, thận, mạch vành…
- Nhóm thuốc Triptan với các thuốc như: sumatriptan (Imigran), Rizatriptan (maxalt)… thường được sử dụng khi các nhóm thuốc trên không mang lại hiệu quả điều trị giảm đau như mong muốn.
Nhóm thuốc này tác động như một chất chủ vận chọn lọc và đặc hiệu lên các thụ thể 5- T1B/1D (5-Hydroxytriptamine 1B/1D) ở các mạch máu não gây co mạch.
Cần lưu ý nhóm thuốc này không được sử dụng cho người cao huyết áp, đau thắt ngực, không dùng chung với thuốc Ergotamin, với nhóm thuốc IMAO (monoamine oxydase inhibitors).
Nhóm thuốc dự phòng:
Nhóm thuốc này được sử dụng trong điều trị dự phòng, khi BĐNĐ thường hay tái phát với tần suất từ 2 lần trở lên mỗi tháng hoặc ảnh hưởng nhiều đến công việc, học tập… của người bệnh. Các thuốc được sử dụng gồm có:
- Thuốc chẹn thụ thể beta như: propanolol, atenolol...
- Thuốc chẹn kênh canxi, như: nifedipin, verapamil, flunarizine... Hai loại thuốc trên là những thuốc thường được sử dụng trong điều trị bệnh cao huyết áp.
- Thuốc chống trầm cảm 3 vòng, như: amitryptiline, nortryptiline...
- Thuốc chống co giật, (anticonvulsants) như: sodium valproate.
Cần lưu ý: với các thuốc trên thường có nhiều tác dụng phụ nên người bệnh không được tự ý sử dụng mà phải có sự chỉ định và theo dõi của các thầy thuốc.
Ngoài việc sử dụng thuốc trong điều trị BĐNĐ, chính việc thay đổi lối sống là phương pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả: người bệnh cần tập luyện thể dục, thể thao như đi bộ, bơi lội, tập yoga... và phòng tránh những yếu tố gây khởi phát bệnh!
DS. MAI XUÂN DŨNG
Theo SK&ĐS

Dùng thuốc mefloquin ngừa sốt rét: Không nên, vì sao?


Nhiều khách nước ngoài khi đến du lịch ở Việt Nam và Việt kiều ở hải ngoại về thăm quê nhà thường được bác sĩ ở nước sở tại cho sử dụng thuốc mefloquin để phòng bệnh sốt rét. Vậy thuốc này có tác dụng như thế nào đối với bệnh sốt rét?
Đặc điểm của thuốc mefloquin
Mefloquin là loại thuốc chống sốt rét thuộc nhóm 4 - quinolein methanol, thường dùng dưới dạng muối chlohydrat ít tan trong nước và chỉ sử dụng bằng đường uống. Thuốc được bào chế dưới dạng viên 250mg và 50mg base với tên các biệt dược như lariam, mephaquin. Đây là một loại thuốc sốt rét thải chậm. Thuốc đạt được nồng độ cao ở trong máu sau khoảng thời gian từ 4 đến 12 giờ và được chuyển hóa trong gan; thải trừ 90% theo mật và 10% qua thận. Chất chuyển hóa chính xuất hiện rất nhanh ở huyết tương và tồn tại lâu với nồng độ cao hơn chất mefloquin gốc; thời gian bán thải của thuốc dài, trung bình khoảng 21 ngày.
 Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Thuốc có tác dụng diệt thể vô tính trong hồng cầu của cả 4 chủng loại ký sinh trùng Plasmodium falciparum, Plasmodium vivax, Plasmodium malariae và Plasmodium ovale nhưng không diệt được thể ngủ ở trong gan và thể giao bào của ký sinh trùng sốt rét.
Với liều thuốc điều trị quy định, thuốc có thể làm cho bệnh nhân bị chóng mặt, rối loạn tầm nhìn từ 20 - 30% các trường hợp; người bệnh buồn nôn, nôn và có mạch xoang chậm từ 10 - 15% các trường hợp. Các dấu hiệu thường xuất hiện 12 giờ sau khi uống thuốc, đồng thời có thể kéo dài từ 24 - 36 giờ. Tần số các triệu chứng phụ này xuất hiện ở những người uống thuốc để dự phòng sốt rét thấp hơn, chỉ chiếm khoảng từ 5 - 6% các trường hợp.
Không nên sử dụng thuốc mefloquin cho trẻ em có cân nặng dưới 15kg và chống chỉ định dùng cho phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
Ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc mefloquin
Trong vòng 10 năm, từ năm 1972 đến năm 1982, mefloquin khi mới được sử dụng đã tỏ ra có hiệu lực cao đối với sốt rét nhiễm ký sinh trùng Plasmodium falciparum kháng lại với thuốc chloroquin. Tỷ lệ khỏi bệnh có thể chiếm khoảng trên 95% các trường hợp với liều duy nhất từ 12,5 - 20mg base/kg cân nặng cơ thể. Những năm 1982 - 1986, tại Thái Lan đã thông báo bắt đầu có hiện tượng sốt rét nhiễm Plasmodium falciparum kháng lại thuốc mefloquin bằng phương pháp thử nghiệm trên bệnh nhân (in vivo) và trong phòng thí nghiệm (in vitro); mức độ kháng tăng nhanh và cao, trên 50% các trường hợp tại một số vùng giáp ranh với Campuchia và Myanmar. Ở châu Phi, mãi đến năm 1994 các nhà khoa học mới phát hiện tình trạng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc mefloquin bằng phương pháp thử nghiệm trong phòng thí nghiệm nhưng ít gặp các trường hợp kháng thuốc bằng thử nghiệm trên bệnh nhân sốt rét. Tại châu Mỹ, cho đến năm 1994, mefloquin vẫn còn nhạy cảm và đáp ứng điều trị đối với ký sinh trùng sốt rét.
 Ký sinh trùng P. Falciparum trong hồng cầu.
Tại Việt Nam, mefloquin là một loại thuốc sốt rét mới được sử dụng từ năm 1990 để điều trị các trường hợp sốt rét nhiễm Plasmodium falciparum kháng lại với thuốc chloroquin nhưng số lượng sử dụng còn hạn chế. Các nhà khoa học đã thực hiện những thử nghiệm trên lâm sàng đối với thuốc mefloquin ở nhiều vùng khác nhau ghi nhận thuốc có đáp ứng điều trị với hiệu quả cao nhưng lẻ tẻ cũng đã xuất hiện hiện tượng ký sinh trùng sốt rét kháng lại thuốc điều trị. Ở miền Bắc, vào năm 1990 đã thử nghiệm trên bệnh nhân sốt rét với liều sử dụng 15mg/kg cân nặng và theo dõi trong vòng 28 ngày, ghi nhận chỉ có 3,2% các trường hợp kháng thuốc độ RI. Tại một số điểm nghiên cứu tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng vào thời điểm năm 1990, ghi nhận tỷ lệ kháng thuốc độ RI chiếm đến 11%. Kể từ đây, qua các nghiên cứu theo dõi, đánh giá đã phát hiện tình trạng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc mefloquin ngày càng gia tăng và lan rộng.
Ở nước ta, trong Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sốt rét được Bộ Y tế ban hành vào năm 2003 đã đưa thuốc mefloquin vào một trong các danh mục thuốc sốt rét thiết yếu để sử dụng tại cơ sở y tế tuyến huyện, tỉnh và trung ương. Trong hướng dẫn đã chỉ định việc uống thuốc phòng sốt rét cho đối tượng có nguy cơ tạm thời như khách du lịch, người đến công tác có thời hạn trong vòng 6 tháng ở các vùng sốt rét lưu hành có thể uống thuốc phòng sốt rét hàng tuần trong thời gian ở vùng sốt rét và 4 tuần sau khi ra khỏi vùng sốt rét với thuốc mefloquin tại những vùng kháng thuốc đã được xác định.
 
Ngoài ra, người mới định cư trong vùng sốt rét kháng thuốc cũng phải uống thuốc phòng trong vòng 6 tháng đầu với thuốc mefloquin hàng tuần. Đối với các vùng sốt rét chưa kháng thuốc chloroquin, còn nhạy cảm với thuốc thì có thể sử dụng thuốc chloroquin để uống dự phòng. Liều thuốc uống phòng được quy định dùng theo lứa tuổi. Trong điều trị bệnh nhân sốt rét, hướng dẫn chỉ định không sử dụng mefloquin đơn thuần liều duy nhất mà phải phối hợp với thuốc artesunat 3 ngày để tăng hiệu quả điều trị. 
Với những nhược điểm do tác dụng phụ không mong muốn của thuốc mefloquin và tình trạng ký sinh trùng sốt rét kháng lại loại thuốc này ngày càng gia tăng và lan rộng. Trong Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét được Bộ Y tế ban hành năm 2009 đã loại bỏ mefloquin ra khỏi danh mục thuốc sốt rét được sử dụng tại Việt Nam. Từ mốc thời gian này, các cơ sở y tế ở nước ta không được sử dụng thuốc mefloquin để chỉ định cho người dân uống phòng sốt rét và không dùng trong điều trị bệnh nhân sốt rét. Phương thức uống phòng sốt rét đối với các loại thuốc sốt rét khác cũng được loại bỏ và được thay thế bằng phương thức cấp thuốc tự điều trị để hạn chế tình trạng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc có khả năng xảy ra trong tương lai, tạo nên sự khó khăn về chuyên môn kỹ thuật đối với công tác phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét.
Có thể nói rằng mefloquin là loại thuốc đã có một thời sử dụng có hiệu quả đối với việc phòng bệnh và điều trị sốt rét nhưng hiện nay không còn được ưa chuộng nữa do tình trạng ký sinh trùng kháng thuốc lan rộng, thuốc gây nên nhiều tác dụng phụ không mong muốn và tương tác thuốc. Mefloquin đã đi vào quá khứ sau khi hoàn thành sứ mạng lịch sử và các cơ sở sản xuất đã hạn chế cung cấp sản phẩm.         
Khuyến nghị
Khách du lịch ở nước ngoài khi đến Việt Nam và Việt kiều ở các nước về thăm quê nhà không nên sử dụng thuốc mefloquin để uống phòng sốt rét như thời gian trước đây nữa vì không còn phù hợp.
Việc tương tác thuốc khi sử dụng mefloquin kết hợp với các loại thuốc khác dùng một cách vô tình để điều trị một số bệnh cũng có thể đem lại những hậu quả xấu như:
Nếu mefloquin phối hợp với natri valproat, valpromid thì mefloquin có thể gây cơn động kinh vì thuốc mefloquin làm giảm hàm lượng natri valproat hoặc valpromid trong huyết tương do làm tăng chuyển hóa valproat. Chính mefloquin gây nên cơn co giật.
Dùng mefloquin với các loại thuốc tim mạch như thuốc ức chế bêta cũng có thể gây chậm nhịp tim.
Có thể có tương tác giữa mefloquin với thuốc chống đông máu kháng vitamin K như warfarin làm tăng nguy cơ chảy máu hoặc tương tác giữa mefloquin với thuốc chống tiểu đường gây choáng do hạ đường huyết. 
 
BS. Nguyễn Trâm Anh
Theo SK&ĐS

Cách dùng thuốc nhỏ tai: Chớ xem thường


Tai là nơi thường có những tạp khuẩn, bụi, dị vật rất dễ gây viêm nhiễm nếu giữ vệ sinh không tốt. Bên cạnh đó, tai cũng thường bị nhiễm khuẩn nếu có ráy tai, dùng những vật ngoáy tai, làm tổn thương tai. Trong điều trị viêm tai, cách sử dụng thuốc nhỏ tai rất quan trọng.
Thuốc nhỏ tai được bào chế dưới dạng dung dịch chỉ dùng để nhỏ vào tai, không được dùng cho các mục đích khác và cũng không dùng để bôi hoặc nhỏ vào chỗ khác. Thuốc nhỏ tai có nhiều loại, tùy theo thành phần hoạt chất là loại gì mà mục đích sử dụng để chữa triệu chứng hay nguyên nhân gây bệnh. Khi dùng thuốc hầu như chỉ tập trung ở tai nên đạt hiệu quả cao và ít tác dụng phụ hơn so với các dạng thuốc khác.
Các loại thuốc nhỏ tai
Thuốc kháng sinh: Các thuốc nhỏ tai có thành phần hoạt chất là các loại thuốc kháng sinh, hiện nay có rất nhiều dùng trong trường hợp nhiễm khuẩn ở tai như kháng sinh gentamycin, neomycin, ciprofloxacin, tobramycin. Với những loại thuốc này phải tuân thủ chặt chẽ theo quy định sử dụng thuốc kháng sinh để tránh những tai biến đáng tiếc như sốc phản vệ, dị ứng…
Thuốc kháng nấm: Một số thuốc kháng nấm như clotrimazole cũng được dùng trong trường hợp bị nấm trong tai.
 Nội soi tai cho bệnh nhân tại BV Tai - mũi - họng Trung ương.  Ảnh: TM
Thuốc phối hợp:
Trong thực tế, nhiều loại thuốc nhỏ tai được kết hợp các loại thuốc kháng sinh, kháng nấm cùng với thuốc kháng viêm như hydrocortison, fluorohydrocortison, dexamethason hoặc kết hợp các loại thuốc kháng sinh nói trên với thuốc kháng viêm corticoid như dexamethason, polymyxin B… Đây là những nhóm hoạt chất rất hay dùng trong thuốc nhỏ tai và cũng có thể gây phản ứng có hại như khi dùng thuốc có cùng hoạt chất dạng khác nên phải rất thận trọng khi sử dụng. Không tự ý dùng thuốc khi không có chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa.
Trong đợt điều trị bằng thuốc nhỏ tai, khi tắm cần tránh để nước vào tai. Tuyệt đối không nên đi bơi ở hồ hay ao vì nước vào tai dễ gây nhiễm khuẩn nặng thêm. Sau khi rửa tai bằng ôxy già hay nước muối sinh lý, cần lau sạch những giọt thuốc còn đọng lại trên tai. Kết thúc đợt điều trị nên bỏ phần thuốc thừa đi, không để dành, không dùng chung lọ thuốc với người khác. Không tự ý dùng thuốc nhỏ tai khi thấy tai trẻ chảy mủ hay máu vì khi ấy màng nhĩ có thể bị rách và thuốc nhỏ tai có thể vào sâu trong tai, gây điếc.
Thuốc làm khô tai: Một số thuốc nhỏ tai có thành phần hoạt chất là acid acetic (giấm trắng), isopropyl alcohol, rượu  hay kết hợp giấm và rượu có tác dụng giảm pH ở tai, không cho vi khuẩn phát triển. Do đó, thuốc có tác dụng phòng ngừa và điều trị một số dạng viêm tai  nhẹ hoặc vừa.
Thuốc làm mềm ráy tai, loại bỏ ráy tai: như carbamid peroxid, triethanolamin polypeptid oleat, docusate, olive oil cũng thường được sử dụng để làm sạch tai, bảo vệ tai tránh bị viêm nhiễm.
Thuốc lau tai, rửa tai: thường dùng là các loại dung dịch sát khuẩn như nước ôxy già, nước  muối sinh lý nhằm làm sạch dịch mủ, dịch nhầy, dịch máu ở tai.
Trường hợp tai bị viêm nhiễm nặng làm cho người bệnh đau đớn, ảnh hưởng đến sinh hoạt cần phải dùng một số thuốc giảm đau tai, kết hợp với thuốc gây tê nếu cần phải nạo vét ổ viêm nhiễm. Thuốc gây tê benzocain, pramoxin, lidocain, gây tê kết hợp với kháng viêm, giảm đau antipyrin giúp giảm đau ở những trường hợp viêm tai. Do mỗi loại thuốc nhỏ tai có công dụng khác nhau nên khi có vấn đề gì ở tai, cần đến bác sĩ khám để được chỉ định thuốc thích hợp.
Sử dụng đúng cách
Cách sử dụng thuốc nhỏ tai cũng rất quan trọng. Trước hết, người thực hiện việc nhỏ thuốc vào tai cần phải rửa sạch tay với xà phòng và nước. Sau đó nhẹ nhàng làm sạch tai bằng khăn mềm. Tư thế của người dùng thuốc nhỏ tai cũng cần lưu ý, nên nằm xuống ở nơi nào thoải mái như trên giường hoặc ghế. Phải nhỏ đúng số giọt, số lần theo chỉ định của bác sĩ. Không tự ý bỏ liều hoặc ngưng sử dụng dù triệu chứng bệnh có giảm. Sau khi nhỏ thuốc nếu bị đau (trước đó không đau), hay đau nặng hơn thì cần báo ngay với bác sĩ. Hầu hết các thuốc nhỏ tai không cần bảo quản lạnh. Tuy vậy vẫn phải đọc kỹ thông tin về bảo quản trên nhãn thuốc hoặc hỏi dược sĩ. Cần làm ấm thuốc trước khi nhỏ vì nhỏ những giọt thuốc lạnh vào tai rất khó chịu, có thể gây choáng váng, hoa mắt, chóng mặt. Trẻ nhỏ thường quấy khóc và không chịu cho nhỏ thuốc do đó cần phải có người giúp đỡ, bế trẻ vào lòng, một tay quàng ôm lưng trẻ, một tay giữ đầu trẻ áp vào ngực để nhỏ thuốc vào tai. Nếu nhỏ thuốc giảm đau thì cần giữ tai trong khoảng 5 phút để thuốc đi vào nơi bị đau.
Thuốc nhỏ tai không bao giờ được nhỏ mắt. Tuy nhiên, một số thuốc nhỏ mắt có thể được dùng để nhỏ tai nếu nhãn thuốc ghi là thuốc nhỏ mắt - nhỏ tai. Thuốc nhỏ tai được xếp vào nhóm thuốc dùng ngoài nhưng vẫn có nguy cơ gây ra phản ứng ADR, tức là những phản ứng có hại của thuốc. Vì vậy cần phải đề phòng nếu người bệnh có cơ địa dị ứng.
ThS. Lê Quốc Thịnh
Theo SK&DS

Không được ngưng dùng atenolol đột ngột


Atenolol là một trong những thuốc có tác dụng chống tăng huyết áp và thường được bác sĩ dùng cho người bệnh bị tăng huyết áp, đau thắt ngực mạn tính ổn định, nhồi máu cơ tim sớm (trong vòng 1 giờ đầu) và dự phòng sau nhồi máu cơ tim, loạn nhịp nhanh trên thất.

 
Atenolol có ưu điểm là không làm tăng hoặc làm tăng rất ít sức cản của mạch ngoại biên. Trong điều kiện có stress với tăng giải phóng adrenalin từ tuyến thượng thận, thuốc không làm mất sự co mạch sinh lý bình thường. Ở liều điều trị tác dụng co cơ trơn phế quản của thuốc kém hơn so với thuốc chẹn thụ thể beta không chọn lọc nên có thể điều trị cho cả những người có bệnh hen phế quản nhẹ hoặc bệnh phổi tắc nghẽn khác. Khi điều trị cho người bệnh tăng huyết áp hoặc bệnh phổi tắc nghẽn cần phải được kết hợp với thuốc chủ vận thụ thể beta-2 theo đường hít dưới sự giám sát chặt chẽ của thầy thuốc chuyên khoa về hen.
 
Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Ngoài ra, thuốc cũng có thể dùng được cho người có bệnh đái tháo đường (do thuốc ít ảnh hưởng đến giải phóng insulin và chuyển hóa carbohydrate. Phản ứng tim mạch đối với hạ đường huyết không bị ảnh hưởng một cách có ý nghĩa bởi thuốc này). Ở người tăng huyết áp, thuốc làm giảm một cách có ý nghĩa huyết áp cả tư thế đứng lẫn tư thế nằm. Đối với điều trị tăng huyết áp, nếu cần có thể kết hợp atenolol với thuốc chống tăng huyết áp khác (chủ yếu là thuốc lợi niệu và /hoặc thuốc giãn mạch ngoại biên).
Tuy nhiên khi dùng thuốc cần lưu ý, tác dụng không mong muốn của thuốc thường liên quan đến tác dụng dược lý và liều dùng của thuốc. Hay xảy ra các hiện tượng như mệt mỏi, yếu cơ (chiếm khoảng 0,5-5% số người bệnh dùng thuốc), lạnh và ớn lạnh các đầu chi. Người bệnh cũng có thể thấy tim đập chậm, tiêu chảy, buồn nôn, rối loạn giấc ngủ và có thể thấy suy giảm tình dục. Các hiện tượng hạ huyết áp tư thế đứng, ác mộng, ảo giác, trầm cảm, bệnh tâm thần, khô mắt, rối loạn thị giác... hiếm xảy ra nhưng người bệnh cần đề phòng.
Khi định ngừng điều trị thuốc, phải ngừng từ từ trong vòng 7-10 ngày, vì nếu không cơn đau thắt ngực có thể phát triển hoặc xấu đi với nguy cơ gây nhồi máu cơ tim. Trường hợp dùng thuốc trước khi phẫu thuật cần phải ngừng hoàn toàn ít nhất 48 giờ (hai ngày) trước khi phẫu thuật.      
DS.Hoàng Thu Thủy
Theo SK&DS

Hiểm họa từ chất phụ gia làm bánh


Nhiều loại bột khai (bột nở) dùng làm bánh bao, bánh tiêu, giò cháo quẩy ở TPHCM đang được bán tràn lan trên thị trường với giá cực rẻ. Chuyên gia về thực phẩm cho biết, công thức làm quẩy ở Việt Nam giống ở Trung Quốc.
Rẻ hơn rau
Ở chợ Bình Tây, khi hỏi về nơi bán bột nở dùng làm quẩy, bánh rán các loại, chúng tôi được chỉ dẫn đến một quầy phụ gia thực phẩm.
Chủ sạp 246 Ngọc Hưng cho biết, tất cả các hàng quán muốn làm quẩy, bánh tiêu, bánh bao… đều phải tới đây mua nguyên liệu.
Lôi ra một túi bột, bà chủ sạp nói: “Một gói 1kg giá 12.000 đồng. Nếu mua 10kg tui bán 10.500 đồng/kg. Mua nhiều còn giảm nữa”.
Tại Chợ Lớn, chủ các quầy hàng phụ gia thực phẩm cũng đều giới thiệu loại bột khai làm nở bánh, được các hàng quán, nhà hàng mua về chế biến.
Chủ hàng ở đây đon đả sẵn sàng giảm giá mạnh nếu chúng tôi nhập hàng đều đặn với số lượng lớn.
Hiểm họa từ chất phụ gia làm bánh, Sức khỏe đời sống, Hiem hoa tu phu gia, bot no, bot khai, lam quay, banh tieu, banh bao, thuc pham, gay hai, ngo doc, gia re, gia beo, nuoc soda, nhiem doc, suc khoe, bao.
Bột nở (bột khai) được chất cao trong cửa hàng
Theo ghi nhận của phóng viên, loại bột khai nhãn hiệu Nàng Tiên được bán tràn lan ở khắp các chợ. Bên phải túi bột nở này còn có hàng chữ Trung Quốc có nghĩa “đặc biệt”, được sản xuất tại cơ sở Kim Nga, địa chỉ 48/1 P. Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân.
Thành phần gồm nước urê và Na2CO3CO2, phía trên ghi dòng chữ “Bột khai nguyên chất Bicarbonat D’Ammonium NH4HCO3”.
Theo những người bán hàng, bột khai còn được sử dụng để làm mềm móng giò, xương, hầm thịt giúp thịt mềm, nhừ mà không bị nát, tiết kiệm thời gian hơn nhiều so với việc ninh, hầm thông thường.
“Chân giò để lâu có mùi hôi, chỉ cần rửa sạch rồi ngâm với nước lã, cho bột vào. Một lúc sau nước vừa sôi là thịt nhừ, vừa khử sạch mùi hôi”, một người bán cho biết. Chủ các quán bún bò, hủ tiếu thường sử dụng loại bột này để chế biến.
Bà Duân, bán cháo lòng trên vỉa hè trong con hẻm nhỏ trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa cho biết, bà thường mua quẩy tại cơ sở sản xuất ở quận Bình Tân. Mỗi ngày bà bán từ 7h sáng đến 10h sáng, hết khoảng 150-200 chiếc.
“Tại các nhà hàng, quán ăn bán cả ngày, lượng nhập lớn hơn rất nhiều. Tui mua về bán chứ cũng không biết người ta chế biến như thế nào”, bà Duân nói.
Gây hại sức khỏe
Anh Lê Công Đ., đầu bếp một nhà hàng có tiếng ở quận 3 cho biết, để tạo độ nở cho bột, đầu bếp sẽ dùng men vi sinh, không những không gây độc hại mà còn có tác dụng củng cố thêm các chất protein, cơ cấu lại thành phần dinh dưỡng trong bột khiến bánh ngon và chất lượng hơn.
Tuy nhiên, để giảm giá thành, người ta thường xài các loại bột có chứa Bircacbonat giá khoảng 25.000 đồng một hộp 100gr, thường được gọi là thuốc muối, có bán ở các hiệu thuốc hoặc tiệm bán nguyên liệu làm bánh.


Khi chúng tôi cho biết, loại bột đang được bán tràn lan ở các chợ, 100gr chỉ có giá hơn 1.000 đồng, anh Đ. lắc đầu cho rằng, với giá tiền quá bèo như vậy, chất lượng sẽ không bảo đảm, có khả năng gây hại đến sức khỏe: “Sử dụng chất dùng trong công nghiệp tuy rẻ nhưng rất nguy hiểm vì có nhiều tạp chất”.

Bác sỹ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TPHCM cho biết: “Sau khi có chỉ đạo của UBND TPHCM về việc tăng cường thanh kiểm tra thực phẩm không rõ nguồn gốc trên địa bàn thành phố, chi cục đã phối hợp với các sở ngành và chỉ đạo 24 quận, huyện tập trung ráo riết kiểm tra. Sau khi Tiền Phong có thông tin, chi cục sẽ chỉ đạo cho các đoàn kiểm tra kiểm tra phụ gia thực phẩm làm quẩy để cảnh báo với người tiêu dùng”.
Theo bác sỹ Huỳnh Mai, các chất Sodium Bicarbonat, Ammonium aluminium sulfate anhydrous… không được dùng trong thực phẩm mà chỉ dùng làm hóa chất công nghiệp. Các chất này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nếu người sử dụng dùng nhiều.
Công thức làm quẩy ở Việt Nam giống Trung Quốc
Theo tìm hiểu, công thức làm quẩy của các cửa hàng ở Hà Nội rất giống với công thức được báo mạng Trung Quốc thông tin. Bên cạnh bột mỳ là nguyên liệu chính, quẩy ở Hà Nội còn được sử dụng thêm chất phụ gia là bột khai, hay còn gọi là bột nở (chủ yếu là baking soda).


“Soda được sử dụng sẽ làm cho quẩy nở to và giòn hơn” chị Nguyễn Thu Hương, một thợ làm quẩy chia sẻ.

Baking soda và phèn chua có công thức hóa học là NaHCO3 và NH4Al(SO4)2.12H2O. Đối chiếu với tinh quẩy (phụ gia bị nghi là có thể gây teo não) được sử dụng chế biến quẩy ở Trung Quốc thì có công thức hóa học giống nhau.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Thực phẩm và Công nghệ Sinh học (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho hay, Sodium bicarbonate và Ammonium aluminium sulfate anhydrous (hai chất chính trong tinh quẩy) thực chất chính là bột soda và phèn chua ở VN.
Dạo quanh các chợ ở Hà Nội, không khó để tìm mua bột soda, hay phèn chua.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, bột soda, phèn chua hay nước tro tàu đều là những phụ gia được phép sử dụng rộng rãi trong công nghiệp thực phẩm, không nằm trong danh mục các chất cấm của Bộ Y tế.
Trên thực tế, baking soda là phụ gia sử dụng phổ biến trong ngành chế biến bánh kẹo còn phèn chua được sử dụng làm trong nước.
“Tất nhiên, baking soda hay phèn chua đều không có lợi cho sức khỏe, song nếu sử dụng để làm phụ gia trong chế biến bánh kẹo hay làm trong nước thì không ảnh hưởng gì”.
Dù vậy, TS Thịnh cũng khuyến cáo, baking soda vừa được dùng trong y tế, thực phẩm, vừa được dùng trong công nghiệp. Baking soda được dùng trong chế biến thực phẩm phải thực sự tinh khiết.
Nếu không tinh khiết, soda sẽ lẫn các tạp chất kim loại nặng như chì, thủy ngân. “Điều lo ngại là người tiêu dùng có thể dễ bị nhầm lẫn, mua nhầm soda công nghiệp về để chế biển thực phẩm”.

Món ăn cho ông chồng yếu sinh lý


Gần đây không thấy chồng đòi 'nộp thuế' như mọi khi nhưng cơm nhà vẫn ăn đều, vẫn yêu vợ chiều con... Tôi nghi ngờ chồng có bồ mà giấu giếm. Gặng hỏi mãi anh ấy mới trả lời là sức khỏe yếu, mỗi lần 'xuất quân' cảm thấy đau và khó chịu".


Thắc mắc này được bác sĩ Đào Sơn đưa ra lời giải bằng vài món ăn dễ chế biến, giúp cho người chồng sung mãn hơn.
Tôm càng xanh nấu sài hồ, quế chi
Tôm càng xanh 150g, sài hồ, quế chi 10g, hành, gừng, tỏi, xì dầu, gia vị đủ dùng. Tôm rửa sạch, cắt bỏ đầu, đuôi. Hai vị thuốc trên rửa sạch, cho vào túi vải buộc kín cho vào nồi cùng tôm đun trong vòng 30 phút, bắc ra. Cho chảo nóng lên, cho dầu ăn vào cho tôm vào đảo với hành, gừng, xì dầu, cho nước hòa với bột đao vào chảo tôm, nấu sôi bắc ra. Ăn cách nhật, ăn trong vòng 1 tháng.
 
Món ăn có tác dụng ôn kinh tán hàn, bảo vệ can, thông dương hoạt lạc, điều hòa tuần hoàn máu. Những người khi giao hợp dương vật bị đau buốt, chân tay lạnh nên dùng.
 
Thịt dê hầm táo đỏ
Thịt dê 300g, táo đỏ 10 quả, hà thủ ô 40g, trần bì 4g. Hà thủ ô rửa sạch, cho vào siêu sắc thành thuốc, cô đặc còn 2 bát con nước thuốc. Thịt dê rửa sạch, thái miếng. Phi thơm tỏi và mỡ rồi cho thịt dê vào đảo tái sau đó cho nước hà thủ ô vào thịt cùng với trần bì và táo đỏ. Hầm tới khi thịt chín nhừ là dùng được. Món ăn có tác dụng bổ thận, ích tinh, bổ trí não, cường gân cốt. Những người luôn cảm thấy mệt mỏi, hay bị rụng tóc, bạc tóc sớm, mất ngủ, chán nản chuyện ấy nên dùng.
Thịt chó nấu ngưu tất, đậu đen
 
Thịt nạc chó 300g, đậu đen 30g, ngưu tất 15g, gừng tươi, gia vị đủ dùng. Thịt chó rửa sạch, thái miếng, các vị thuốc khác rửa sạch, để ráo nước. Xào qua thịt chó rồi đổ các vị thuốc trên vào nồi, đổ nước hầm nhừ, nêm gia vị vào là dùng được.
 
Theo SK&ĐS