Nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) ở các bệnh viện trên địa bàn thành phố đã được cảnh báo từ nhiều năm trước, vì tình hình bội chi ở một số nhóm đối tượng ngày càng trầm trọng hơn. Và đến nay, nguy cơ ấy đang dần trở thành hiện thực. Một số bệnh viện đã thực hiện quy định mức trần giá toa thuốc, gây khó khăn cho bệnh nhân.
Sáu tháng qua, Bảo hiểm xã hội thành phố đã ra các văn bản gửi các cơ sở khám chữa bệnh BHYT thông báo về việc thanh toán chi phí thuốc cho người bệnh có thẻ BHYT để bảo đảm việc cân đối quỹ. Cụ thể ngày 6-6-2012, Bảo hiểm xã hội thành phố cho biết tạm chưa thanh toán các trường hợp sau: Zoleddronic acid tiêm sử dụng điều trị loãng xương và Immune globulin tiêm sử dụng điều trị viêm đa rễ thần kinh trong khi chờ thống nhất phác đồ điều trị của các cơ sở khám chữa bệnh... Ngày 20-6, Bảo hiểm xã hội thành phố tiếp tục có văn bản về việc sử dụng các loại thuốc Glutathion tiêm, Ginkobiloba uống, Glucosamin uống... do thời gian qua việc chỉ định và sử dụng các loại thuốc trên có giá cao là khá phổ biến, đề nghị cơ sở khám chữa bệnh rút kinh nghiệm việc kê đơn, giảm tỷ lệ sử dụng các loại thuốc hỗ trợ nêu trên về mức hợp lý... Lý do liên tục có các văn bản như trên là do thời gian qua đã có khá nhiều bệnh viện đã thực hiện vượt trần. Hiện tượng này tăng mạnh bắt đầu từ tháng 8-2011, khi Bộ Y tế mở rộng danh mục thanh toán BHYT thêm nhiều loại thuốc điều trị ung thư đắt tiền đã làm số tiền thực chi tại các bệnh viện nhận chữa trị bệnh này ngày càng vượt mức trần nhiều hơn. Trong năm 2011, có một số bệnh viện đã bội chi và đến nay vẫn chưa quyết toán được. Có bệnh viện phải nợ tiền các công ty cung cấp thuốc cho bệnh viện, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình điều trị của bệnh nhân. Không ít lần Bảo hiểm xã hội thành phố đề nghị các bệnh viện phải điều chỉnh chi phí hợp lý để giảm chi phí điều trị bình quân và giảm vượt quỹ, vượt trần và cảnh báo là sẽ tạm thời không cấp tạm ứng các chi phí vượt quỹ cho các đơn vị không có biện pháp giảm chi.
Vì thế, vấn đề bức thiết đặt ra hiện nay là phải có ngay các biện pháp chống vỡ quỹ BHYT một cách hiệu quả nhất. Nơi có thể thực hiện nhanh và có kết quả ngay chính là ở các bệnh viện. Trên cơ sở phác đồ điều trị, bác sĩ có thể kê đơn thuốc theo các loại có trong danh mục thuốc BHYT và với những loại thuốc đặc hiệu xuất xứ nước ngoài và đắt tiền thì bệnh nhân phải tự chi trả nếu có nhu cầu sử dụng. Một biện pháp nữa cũng đã được một số bệnh viện áp dụng là xây dựng lại các phác đồ điều trị hợp lý để vừa đảm bảo chữa bệnh hiệu quả cho bệnh nhân vừa tiết kiệm chi phí. Mặt khác, phải thay đổi ngay phương thức chi trả, không phải dịch vụ nào cũng đều được BHYT thanh toán như hiện tại. Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp có tính chất tình thế. Về lâu dài, cần xác định rõ BHYT mang tính chất xã hội, không mang tính lợi nhuận nhưng cũng phải dựa trên cơ sở bảo đảm y tế về mặt thu chi của quỹ. Ðể chống vỡ quỹ chỉ có biện pháp BHYT toàn dân thực hiện mới có thể cân đối thu chi. Vì vậy, điều quan trọng là BHYT tự nguyện phải lấy số đông tham gia (hạn chế tối đa tình trạng chỉ có người ốm mới tham gia BHYT tự nguyện). Bên cạnh đó, theo các chuyên gia nhận định thì để tránh lạm dụng quỹ BHYT; hạn chế tình trạng kê đơn, chẩn đoán cận lâm sàng, chi theo dịch vụ mà thay vào đó là chi theo khoán quỹ, định suất sẽ tốt hơn. Có nhiều cách để quản lý quỹ tốt, chẳng hạn như cần chuẩn hóa các xét nghiệm, không thể để tình trạng ở huyện xét nghiệm, lên tỉnh lại xét nghiệm và lên trung ương làm thêm một loạt xét nghiệm tương tự nữa... Mặt khác, phải khách quan, đa dạng đối tượng đóng, mức đóng và điều chỉnh theo sự hỗ trợ của Nhà nước chỉ đa dạng mức đóng chứ không nên đa dạng mức hưởng. Bởi như thế sẽ dễ dẫn đến xu hướng thương mại hóa trong lĩnh vực khám chữa bệnh. Về nguyên tắc, để tránh vỡ quỹ BHYT thì phải tăng được nguồn quỹ. Ðể tăng nguồn quỹ thì vừa phải tăng mức đóng cho quỹ BHYT và đẩy nhanh lộ trình thực hiện BHYT toàn dân.
Theo Luật BHYT, đến cuối năm 2014 sẽ cơ bản hoàn tất lộ trình BHYT toàn dân. Thế nên, thành phố cần đưa ra các biện pháp phù hợp và có tính khả thi cao để sớm hoàn tất việc này. Nếu sớm thực hiện được lộ trình này sẽ huy động được sự đóng góp của toàn thể người dân cho quỹ BHYT. Ngoài ra, phải quyết liệt hạn chế những hiện tượng lạm dụng quỹ BHYT, để sử dụng có hiệu quả nguồn quỹ. Khi đã thực hiện được lộ trình BHYT toàn dân, các hiện tượng phân biệt đối xử, lạm dụng quỹ BHYT... sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất.
SONG TOÀN