SXH độ 2 vẫn nguy hiểm

Theo phân loại mới của WHO, số trẻ mắc sốt xuất huyết ở độ 1 và 2 theo phân loại cũ cũng có thể bị xếp vào nhóm nặng nhất nếu kèm những biểu hiện suy tạng, biến chứng não…

Trẻ sốt xuất huyết được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM)
Ngày 17-7, cháu N.Q.A (9 tuổi, ngụ xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom - Đồng Nai) tử vong tại Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai do sốt xuất huyết (SXH). Theo người nhà, ngày 14-7, gia đình phát hiện cháu bị sốt nên đưa đến bệnh viện khám. Tại đây, các bác sĩ xác định cháu SXH độ 2 và cho thuốc về nhà uống, hẹn 2 ngày sau tái khám. Đến ngày 16-7, Q.A tiếp tục sốt cao trở lại, khi nhập viện thì được xác định SXH độ 3. Đến sáng 17-7, bệnh tình A. nặng hơn, gia đình xin chuyển đến TPHCM điều trị nhưng các bác sĩ không đồng ý và cháu đã tử vong chỉ vài giờ sau đó. Câu hỏi được dư luận đặt ra xung quanh trường hợp này là SXH ở độ 2 và 3 có phải đã ở mức độ nặng để có thể gây tử vong?
Dễ gặp cơn sốc
Chúng tôi đã đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) để tìm câu trả lời thì được biết trước đó, chị N.T.M.N (ngụ quận Bình Thạnh - TPHCM) cũng một phen tá hỏa vì vội mừng khi thấy đứa con 5 tuổi bị SXH độ 2 hạ sốt sau 4 ngày vất vả chăm sóc nên gửi vào một nhóm trẻ gia đình rồi đi làm. Chỉ vài giờ sau, các cô giáo ở nhóm trẻ hốt hoảng báo tin là con của chị than mệt, đau bụng, chảy máu cam, tay chân lạnh ngắt. Chị vội vã về đưa con vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 và được các bác sĩ cho biết may là nhập viện kịp thời, nếu không, rất nguy hiểm vì biểu hiện hạ sốt trước đó chính là dấu hiệu bệnh sắp trở nặng và rơi vào cơn sốc.
Một trường hợp khác là cháu P.T.Đ (12 tuổi, ngụ huyện Cai Lậy - Tiền Giang) cũng bị sốc SXH nặng kèm vỡ tá tràng, được chuyển đến trong tình trạng suy hô hấp, tổn thương gan, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa. Đến ngày thứ 7, khi đang trong giai đoạn phục hồi thì bệnh nhi này đột ngột sốc trở lại, mạch nhanh, nhẹ, huyết áp tụt, bụng trướng, thiếu máu nặng, dung tích hồng cầu chỉ còn 22% và vỡ tá tràng với vết rách 3 cm. Rất may là  đội ngũ thầy thuốc ở đây đã cứu sống được Đ.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Trưởng Khoa SXH Bệnh viện Nhi Đồng 1, giải thích rằng SXH tuy không có quá nhiều tình huống bất ngờ như bệnh tay chân miệng nhưng phụ huynh vẫn rất cần lưu ý theo dõi tình trạng bệnh ở trẻ. Bởi hơn 90% trẻ SXH chỉ bị nhẹ và bệnh sẽ tự qua khỏi nhưng gần 10% còn lại sẽ thường bất ngờ gặp phải cơn sốc vào ngày thứ 4 hoặc thứ 5 của bệnh.
Về mức độ nặng, nhẹ của bệnh, bác sĩ Tiến cũng cho biết hiện Bệnh viện Nhi Đồng 1 cùng một số bệnh viện khác đã bắt đầu áp dụng phân loại mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Theo đó, thay vì chia mức độ của bệnh SXH ra các độ 1, 2, 3, 4 như lâu nay vẫn làm thì bây giờ sẽ được chia thành SXH Dengue tương ứng với độ 1 và 2 (không phải truyền dịch), SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo (độ 1, 2 có truyền dịch) và SXH Dengue nặng (sốc, độ 3 và 4 hoặc có biến chứng suy tạng, xuất huyết nặng).
“Cách phân loại này có thể bao phủ được toàn diện hơn các thể bệnh của SXH. Theo đó, trẻ SXH dù độ 1 và 2 nhưng nếu có các biểu hiện biến chứng não, gan… thì vẫn được xếp vào nhóm nặng và cần được theo dõi sát tại bệnh viện” - bác sĩ Tiến nhấn mạnh.
Người lớn cũng có thể tử vong
TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, cho biết thống kê từ đầu năm đến ngày 11-7 cho thấy toàn TP đã có 4.964 ca mắc SXH (cùng kỳ năm ngoái là 5.254) và mọi người vẫn nên tăng cường phòng bệnh trong suốt các tháng mưa vì thời tiết ẩm ướt sẽ tạo điều kiện cho muỗi sinh sản nhanh.
“SXH là bệnh gặp nhiều ở trẻ em. Vì thế, nên cho trẻ em ngủ mùng và tăng cường diệt loăng quăng, diệt muỗi, lấp các nơi nước tù đọng quanh nhà. Khi thấy trẻ sốt cao liên tục, khó hạ thì đưa ngay đến bệnh viện để được khám, xét nghiệm máu. Ngoài ra, phải phòng SXH cho cả người lớn vì hiện chưa có thống kê cụ thể nhưng ước tính người lớn chiếm khoảng 10% các ca SXH và có dấu hiệu tăng trong những năm gần đây. Nên nhớ là người lớn cũng có thể tử vong vì SXH” - bác sĩ Siêu cảnh báo.
Theo dõi kỹ dù hạ sốt
Theo phân tích của bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, nhiều phụ huynh khi thấy con hạ sốt nên chủ quan cho rằng bệnh đã khỏi, dẫn đến một số tình huống trở tay không kịp. Nếu trẻ hạ sốt mà tươi tỉnh, chơi đùa trở lại thì có thể bệnh đã thuyên giảm. Tuy nhiên, nếu hạ sốt mà vẫn lừ đừ, bứt rứt, tay chân lạnh, than đau bụng, ói ra máu, chảy máu cam, máu chân răng… thì chính là bệnh đang trở nặng, phải nhanh chóng đưa đến bệnh viện để cấp cứu. Nên tránh một số sai lầm thường gặp trong việc xử lý SXH như cạo gió, cắt lể khi trẻ sốt, đau mỏi vì sẽ khiến trẻ xuất huyết dưới da, chảy máu lâu cầm do chứng rối loạn đông máu thường thấy khi mắc SXH. Cũng không nên kiêng uống nước vì khi bị SXH thì máu cô đặc nên cần được uống nước nhiều hơn; nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ nếu trẻ biếng ăn; cho uống thêm sữa, nước hoa quả… để có sức chống chọi với bệnh.
Ngoài ra, không nên uống thuốc hạ sốt nhóm aspirin vì dễ gây xuất huyết tiêu hóa. Thuốc hạ sốt an toàn là paracetamol và chỉ nên uống theo hướng dẫn của bác sĩ, các lần uống phải cách nhau ít nhất 4-6 giờ. Nếu trẻ sốt quá cao thì có thể giúp hạ sốt bằng cách mặc quần áo mỏng, thoáng, lau mát, uống nhiều nước.
Nguồn : nld.com.vn