Phát triển công nghiệp dược


Nước ta có số dân hơn 88 triệu người, tổng giá trị tiền thuốc sử dụng đạt 2,4 tỷ USD (năm 2011), được coi là thị trường dược phẩm hấp dẫn. Thị trường sẽ có sự cạnh tranh quyết liệt hơn khi các cơ chế được mở rộng hơn (theo các cam kết quốc tế) cho các doanh nghiệp nước ngoài. Nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thuốc có chất lượng và giá cả hợp lý trong phòng và chữa bệnh cho nhân dân, cần có một nền công nghiệp dược trong nước phát triển một cách đồng bộ, bài bản.
Theo thống kê của Bộ Y tế, nước ta hiện có khoảng 180 doanh nghiệp sản xuất thuốc, trong đó khoảng 100 doanh nghiệp sản xuất tân dược và 80 doanh nghiệp sản xuất đông dược. Ngoài ra, có hơn 300 cơ sở sản xuất đông dược. Cùng với phát triển về số lượng, chất lượng thuốc ngày một nâng cao, nhất là khi có sự xuất hiện của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài hoạt động. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị trong nước nhập khẩu thiết bị, mua dây chuyền công nghệ hiện đại cũng như tăng cường sản xuất nhượng quyền các sản phẩm công nghệ cao. Do đó, thuốc sản xuất trong nước ngày càng đa dạng về dạng bào chế, thuộc đủ các nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và sản xuất được 234 trong tổng số 314 hoạt chất thuộc danh mục thuốc thiết yếu Việt Nam. Ðến hết năm 2011, giá trị tiền thuốc sản xuất trong nước đạt gần 1,15 tỷ USD chiếm gần 50% tổng giá trị tiền thuốc trong nước sử dụng. Hiện nay với hơn 10 nghìn thuốc của các đơn vị sản xuất trong nước còn số đăng ký, góp phần bảo đảm nhu cầu thuốc thiết yếu, bình ổn thị trường, giảm áp lực và làm đối trọng với các thuốc nhập khẩu.
Tuy có bước phát triển mạnh, nhưng so với một số nước phát triển trên thế giới thì ngành dược Việt Nam còn khá non trẻ. Theo đánh giá của WHO, công nghiệp dược Việt Nam ở mức đang phát triển, có công nghiệp dược nội địa, gia công thuốc trên cơ sở nguyên liệu nhập khẩu là chủ yếu, công nghiệp sản xuất nguyên liệu chưa phát triển. Thực tế cho thấy, phần lớn các thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc có dạng bào chế đặc biệt vẫn phải nhập khẩu. Việc đầu tư sản xuất của các doanh nghiệp bào chế dược vẫn còn trùng lắp, chưa chú ý đầu tư sản xuất các loại thuốc có dạng bào chế mới như thuốc phóng thích chậm, thuốc đặt, thuốc cấy dưới da... Ðối với nền công nghiệp sản xuất nguyên liệu hóa dược cũng còn ở mức thấp, khi cả nước mới có một nhà máy sản xuất nguyên liệu kháng sinh bán tổng hợp, sản lượng thiết kế khoảng 200 tấn Amoxcycillin và 100 tấn Ampicillin mỗi năm.
Bên cạnh những khó khăn, thách thức về trình độ công nghệ, nguồn vốn, nguồn nhân lực, môi trường cạnh tranh... thì thực tế công nghiệp dược Việt Nam vẫn có điều kiện thuận lợi để đạt và duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong những năm tiếp theo. Thị trường trong nước còn chưa được khai thác hết, trong khi nhu cầu thuốc ngày càng tăng. Tổng giá trị tiền thuốc sử dụng năm 2011 đã đạt 2,4 tỷ USD, trong đó thuốc sản xuất trong nước mới đạt 1,15 tỷ USD... Hiện nay nhiều tập đoàn dược phẩm đa quốc gia đã và đang áp dụng "chiến lược gia công sản xuất bên ngoài" nhằm vào các nước đang phát triển. Ðây chính là cơ hội cho các công ty dược của Việt Nam, từng bước phát triển và tham gia vào "chuỗi giá trị toàn cầu" của dược phẩm nếu biết lựa chọn những phương án thích hợp.
PGS Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp dược học cho rằng, để tạo dựng, tăng cường lợi thế cạnh tranh và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của dược phẩm cũng như từng bước làm chủ thị trường trong nước thì ngành công nghiệp dược cần sớm hiện đại hóa, nhất là công nghiệp bào chế. Cần chuyển nhanh từ một nền công nghiệp dược phát triển theo chiều rộng (số lượng) sang nền công nghiệp dược hiện đại phát triển theo chiều sâu (chất lượng). Ðể làm được điều đó sớm có một chiến lược hay quy hoạch phát triển tổng thể để định hướng các nhà đầu tư xây dựng kế hoạch phát triển mới, mở rộng, nâng cấp các cơ sở sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong bản kế hoạch tổng thể cần nhấn mạnh đặc biệt đến ưu tiên phát triển và hiện đại hóa công nghiệp bào chế và xác định một vài lĩnh vực ưu tiên của công nghiệp hóa dược. Ðồng thời xây dựng và công bố các chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp tập trung đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên và đầu tư hiện đại hóa công nghiệp dược Việt Nam. Các chính sách cần khuyến khích sự phát triển công nghiệp dược theo chiều sâu (chất lượng cao, tính sáng tạo, hoạt động nghiên cứu - phát triển) và hạn chế sự phát triển theo chiều rộng (số lượng nhiều, chất lượng thấp); khuyến khích chuyển các cơ sở sản xuất từ đa dạng hóa sang chuyên môn hóa. Ðồng thời tăng cường hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ, chuẩn hóa quốc tế ngành dược trong nước; phát huy lợi thế của người đi sau để phát triển công nghiệp dược.
Việc phát triển ngành công nghiệp dược theo định hướng chuyên môn hóa có cơ cấu phù hợp với phát triển chung của ngành dược và nhu cầu xã hội. Trong đó sản xuất trong nước là chủ đạo đối với thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu, thuốc thuộc các chương trình y tế quốc gia. Ngành công nghiệp dược cần phải có những bước đi phù hợp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất thuốc theo đúng định hướng, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm những mặt hàng chồng chéo, dẫn đến dư thừa, đồng thời chú trọng bổ sung những mặt hàng thiếu. Ứng dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất thuốc có tác dụng tốt hơn, đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu công nghệ sinh học hiện đại, trong đó công nghệ gien trong sản xuất dược phẩm; chú trọng liên doanh liên kết để tiếp cận công nghệ hiện đại nhằm sản xuất thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc kháng sinh, thuốc điều trị ung thư... khuyến khích đầu tư nghiên cứu và sản xuất thuốc có dạng bào chế đặc biệt. Xây dựng và phát triển hệ thống các nhà máy sản xuất thuốc trong nước, tiến tới đáp ứng cơ bản nhu cầu về thuốc phòng và chữa bệnh cho nhân dân; bảo đảm tăng tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước đáp ứng được 70% giá trị tiền thuốc vào năm 2020 và 80% vào năm 2030.
Phát triển sản xuất thuốc generic (thuốc hết bảo hộ) phục vụ nhu cầu điều trị, nhất là cơ sở y tế công lập. Ðẩy mạnh và khuyến khích sản xuất thuốc thuộc danh mục: thuốc thiết yếu, thuốc phục vụ các chương trình y tế quốc gia với chất lượng cao và sản xuất theo đơn đặt hàng của Nhà nước. Xây dựng các nhà máy hoặc dây chuyền sản xuất thuốc mới. Ðề ra định hướng đến năm 2020 và tính đến năm 2030 về cơ cấu đầu tư các dạng bào chế, nhóm thuốc cụ thể để các doanh nghiệp lập kế hoạch dài hạn. Bên cạnh đó cũng có quy hoạch và phát triển các vùng dược liệu, các cơ sở sản xuất nguyên liệu hóa dược; sản xuất bao bì dược phẩm; trang thiết bị phục vụ sản xuất dược phẩm để góp phần phát triển nền công nghiệp dược trong nước.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 nền công nghiệp dược Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu đã được xác định: "Trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn trong nền kinh tế của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020". Vấn đề cần thiết là sớm nghiên cứu đề ra quy hoạch, kế hoạch phát triển và hệ thống các giải pháp cụ thể, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của xu thế toàn cầu hóa hiện nay.
TRUNG HIẾU