Già hóa là một quá trình phá hủy, gây nên rối loạn hoạt động ở các tế bào, các hệ thống và toàn cơ thể, làm hạn chế khả năng thích nghi, tăng khả năng phát triển bệnh lý theo tuổi và xác xuất tử vong.
Khi cơ thể già hóa, bản thân điều đó không phải là một bệnh phát sinh và phát triển, chủ yếu là các bệnh mạn tính và thoái hóa. Một người cao tuổi thường mắc cùng một lúc nhiều bệnh và vì thế chi phí y tế cho người cao tuổi thường cao gấp 7 lần so với người trẻ tuổi.
Người cao tuổi là những người từ 60 tuổi trở lên, tuổi thọ trung bình càng tăng thì số người cao tuổi càng nhiều.
Trong vài thập kỷ gần đây, lão khoa với tư cách là một khoa học chuyên ngành nghiên cứu về tuổi già đã phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ và trong đó vấn đề sử dụng thuốc an toàn hợp lý ở người cao tuổi đã và đang trở thành vấn đề được nhiều người quan tâm.
Tình hình sử dụng thuốc hiện nay ở người cao tuổi
Qua nhiều nghiên cứu, người ta thấy rằng:
- Người cao tuổi chiếm 12% dân số nhưng lại sử dụng tới 31% thuốc kê đơn.
- 85% người cao tuổi sống trong các trại dưỡng lão thường xuyên sử dụng thuốc theo đơn.
- Các thuốc sử dụng nhiều ở người cao tuổi là các thuốc tim mạch (21%), thuốc thần kinh (18%)…
- Nguy cơ tương tác thuốc tăng tỉ lệ thuận với số thuốc được dùng: 2 loại thuốc (6%), 5 loại thuốc (50%), >8 loại thuốc (100%).
- Nguy cơ gặp tác dụng phụ có hại cao gấp 2 – 7 lần so với những người trẻ tuổi.
- 40% người cao tuổi gặp các tác dụng phụ có hại khi dùng thuốc và 15% trong số này phải nhập viện do các tác dụng có hại này với tỉ lệ tử vong là 6,4%.
- Trong những nhà dưỡng lão, cứ tiêu tốn 1 USD tiền thuốc thì cần phải chi 1,3 USD tiền giải quyết hậu quả do thuốc gây nên.
Tại sao những người cao tuổi khi sử dụng thuốc lại hay có nhiều tai biến?
Không thể phủ nhận rằng thuốc rất có ích cho người cao tuổi vì bản thân một cơ thể già nua, suy yếu khó lòng chống chọi lại được với bệnh tật, nó giúp cho người cao tuổi cải thiện chất lượng cuộc sống nhưng tai biến khi dùng thuốc ở người cao tuổi lại cao gấp 2,3 lần so với người trẻ tuổi, người cao tuổi thường bị các tai biến khi dùng các thuốc tim mạch, chống đông, chống trầm cảm,chống viêm không – steroid, lợi tiểu, chống Parkinson, an thần, thuốc hạ đường huyết, insulin, kháng sinh…
Những tổn thương lưu cữu của quá trình bệnh lý kéo dài trong một cuộc đời dẫn đến giảm sút số lượng tế bào có hoạt tính ở các mô ở các cơ quan dẫn đến tăng tính nhạy cảm với độc tính của thuốc.
Tình trạng “đa dược học” tức phải dùng nhiều thuốc để điều trị nhiều bệnh cũng là điều kiện thúc đấy cho những tương tác thuốc bất lợi.
Ở người cao tuổi, sự thay đổi về dược động học và dược lực học cũng gây nhiều phiền hà cho việc chọn đúng thuốc, liều lượng, tần suất và cách sử dụng thuốc.
Do tuổi tác hoặc trình độ văn hóa (mù chữ) nên người cao tuổi không hiểu, không đọc được hoặc quên sự chỉ dẫn của bác sĩ khi dùng thuốc.
Một số người cao tuổi không có khả năng tự dùng thuốc (bệnh nhân bị di chứng tai biến mạch máu não, Parkinson…), dạng đóng gói của thuốc cũng là một vấn đề, viên thuốc nhỏ quá làm người cao tuổi khó cầm giữ, viên thuốc quá to lại gây khó nuốt, loại dung dịch lại khó sử dụng nếu thuốc phải lấy theo liều chia vạch.
Giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ cũng là một khó khăn, đặc biệt là của người cao tuổi với những thuốc phải uống nhiều lần trong này, sử dụng không đúng liều cũng có thể xảy ra bao gồm không đủ hay quá liều chỉ định.
Ở người cao tuổi, những biến đổi hình thái và chức năng của các mô, các bộ phận trong cơ thể thì khác nhau ở những vùng và khu vực khác nhau, nó còn tùy thuộc vào dòng giống và loại nào nữa, ở người cao tuổi có sự khác biệt nhiều giữa các cá thể nên khi cho thuốc phải dựa vào phân tích tình trạng cụ thể của từng nguyên tắc “chữa người bệnh chứ không phải là chữa bệnh”. Cách cho thuốc thuần túy dựa vào phác đồ máy móc dễ dàng dẫn đến những hậu quả không tốt trong điều trị.
Hình minh họa
Tâm lý dùng thuốc ở người cao tuổi
Những người cao tuổi khi biết mình có nhiều bệnh, thường lo lắng nhiều về sức khỏe nên thường có tâm lý sử dụng cùng lúc nhiều loại thuốc, hoặc tự mách bảo nhau, dùng thuốc theo kinh nghiệm, truyền miệng nên dễ dẫn đến lạm dụng thuốc, dùng sai chỉ định.
Do thiếu thông tin chính xác, thiếu hướng dẫn đầy đủ nên tâm lý chung là trông đợi nhiều ở thuốc, tin nhiều ở tác dụng của thuốc, có khi ỷ lại thuốc dẫn đến quên hẳn mặt trái (độc tính – tác dụng không mong muốn) dẫn đến nhiều tai biến.
Một số nhóm thuốc cần quan tâm đặc biệt
1. Các thuốc lợi niệu: có tác dụng phụ hay làm giảm K+ nên càn sử dụng ở liều thấp: hypothiazit 25 mg/24 giờ, Lasix 40 mg/ 24 giờ.
2. Các thuốc hạ huyết áp: có tác dụng hạ huyết áp nhưng lại có thể gây tụt huyết áp tư thế đứng.
3. Các thuốc trợ tim và chống loạn nhịp có thể là chậm tim quá mức, hoặc là tình trạng loạn nhịp tim có thể nặng hơn (digoxin, amiodaron).
4. Thuốc chống Parkinson (Levodopa) có thể gây lú lẫn và hạ huyết áp tư thế đứng ở người cao tuổi nên cần bắt đầu với liệu thấp và tăng liều từ từ.
5. Các thuốc chống đông như warfarin có thể tăng nhạy cảm ở người cao tuổi vì thế dễ gây xuất huyết nên cần theo dõi xét nghiệm về đông máu thường xuyên.
6. Các thuốc an thần, chống trầm cảm có thể gây ra rối loạn huyết áp, tăng nhạy cảm, loạn vận động muộn hồi phục dẫn tới “Parkinson do thuốc” nên khi sử dụng những thuốc này nên chỉ bắt đầu bằng ¼ liều so với người trẻ tuổi. Nên chọn những loại thuốc an thần có tác dụng ngắn hoặc trung bình như: benzodiazepam, oxazepam và sử dụng trong thời gian ngắn để tránh lệ thuộc thuốc hay tình trạng uể oải, buồn ngủ, giảm trí nhớ gây té ngã, không nên phối hợp nhiều loại thuốc này trên cùng một bệnh nhân.
7. Các thuốc điều trị tiểu đường dễ gây tụt đường huyết nên cần cân nhắc khi điều trị và theo dõi đường huyết thường xuyên.
8. Các thuốc giảm đau chống viêm không – steroid là nhóm được sử dụng rộng rãi và hay bị làm dụng nên dễ gay biến chứng loét hay chảy máu đường tiêu hóa nhất là khi sử dụng liều cao, kéo dài. Khi các biến chứng này xảy ra ở người cao tuổi sẽ dẫn đến tỉ lệ tử vong cao. Cần đặc biệt lưu ý khi kết hợp những thuốc này với các thuốc chống đông máu vì nguy cơ cháy máu tiêu hóa tăng lên gấp 10 lần do vậy vần thiết phối hợp thêm với các thuốc chống tiết toan dịch vị.
9. Nhóm opiat (dẫn chất của thuốc phiện): người cao tuổi thường nhạy cảm rõ hơn với tác dụng giảm đau của opiat và có thể gặp các tác dụng phụ như táo bón, suy hô hấp, mất phản xạ ho bảo vệ, hay che lấp dấu hiệu của bệnh lý tâm thần.
10. Các thuốc kháng histamin H2: các thuốc này có thể gây lú lẫn tâm thần, có khi kinh động hoang tưởng, ảo giác. Vì vậy nên giảm 30 – 50% liều cimetidin ở người cao tuổi đặc biệt khi có suy gan thận. Các thuốc ramitidin, famotidin cũng cần dùng liều với mức độ ít thận trọng hơn.