Hải mã bắt về, rửa sạch, mổ bụng, bỏ ruột, uốn đuôi cho cong tròn lại, rồi phơi hay sấy khô. Hoặc ngâm hải mã vào rượu hồi hoặc rượu quế một thời gian để khử mùi tanh rồi mới phơi hoặc sấy khô. Ở thị trường, người ta thường bán hai con hải mã buộc chung với nhau, một to, một nhỏ, tượng trưng cho con đực và con cái.
Sau khi chế biến, hải mã giống như một gióng dài, dẹt và cong, phần giữa to, mặt ngoài màu trắng ngà hoặc vàng nâu. Toàn thân có những đốt vân nổi rõ và nhô lên ở suốt dọc lưng, bụng và hai bên sườn như gai. Đầu gập xuống hoặc hơi choãi ra, đỉnh đầu có một u lồi, hai mắt lõm sâu. Đuôi thuôn dần và cuộn tròn vào phía trong. Chất nhẹ cứng, to, màu sáng đều, đầu và đuôi còn nguyên vẹn là loại tốt.
Hải mã được sử dụng trong nhiều bài thuốc giúp tăng cường sinh lực cho nam giới.
|
Trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian, dược liệu hải mã có vị ngọt, mặn, mùi tanh (nếu không sao tẩm), tính ấm, không độc, có tác dụng làm ấm thận, tráng dương, kích thích sinh dục, gây hưng phấn, chủ trị chứng yếu sinh lý ở nam giới, liệt dương, phụ nữ chậm có con do suy dương khí. Dạng dùng thông thường là thuốc bột, viên hoàn hoặc rượu ngâm. Dùng riêng, hải mã một đôi, sấy khô vàng, tán nhỏ, rây bột mịn; ngày uống 3 lần, mỗi lần 2-5g với rượu.
Trong dân gian, người ta hay ngâm rượu hải mã với chim bìm bịp, tắc kè và một số dược liệu nguồn gốc thực vật như các loại sâm rừng, nhất là củ sâm cau (một dược liệu có tác dụng kích thích sinh lý mạnh). Hải mã còn được bào chế với nhung hươu, ngài tằm đực, nhân sâm, ba kích, hà thủ ô, hồ đào... thành dạng cao (chiết xuất bằng cồn 70 độ) và viên bao phim.
Theo quan niệm của ngư dân vùng biển, hải mã để tươi ngâm rượu mới quý.
Chú ý: Người thể âm hư, nội nhiệt, cảm mạo không dùng hải mã.
Theo Suckhoedoisong